Có một chuyện tình hoa giấy

Thú thật, trước khi vào Nam chiến đấu tôi chưa hề biết hoa giấy. Có thể quê tôi không có và những vùng miền Bắc khác tôi chưa biết chăng? Nhưng quả thật chỉ khi về chiến đấu ở Củ Chi tôi mới nhìn thấy hoa giấy.

Ngày 19 tháng 4 năm 1975, chúng tôi từ Chơn Thành hành quân rồi vượt sông Sài Gòn lúc gần sáng. Đoạn chúng tôi qua sông sau này gọi là Bến Dược, chứ lúc ấy chỉ biết theo đường vạch ra của trinh sát cấp trên. Tôi nhớ cầu phao công binh làm ghép bằng những thuyền quay ngang.

Thủy triều rút nên phải lội một đoạn bùn mới lên cầu. Qua sông, chúng tôi đi bộ trên con đường cũ phủ kín lá và cỏ hoang. Củ Chi hoang tàn, Củ Chi bình địa với xe pháo cháy thui, những gò đống lở loét hố bom, hố pháo. Dưới chân chúng tôi là gạch đá, là mảnh bom, vỏ đạn, dấu tích của mười mấy năm đất thép thành đồng này đánh Mỹ và trụ vững để hôm nay có bàn đạp cho đại quân tiến đánh trận cuối cùng.

Nơi trú quân rất chật hẹp, ven con lộ đất sỏi chạy qua bến Đình, nằm sát mép sông Sài Gòn. Bộ đội không được đi lại, không được tắm lội trên sông. Mỗi người di chuyển đều có một cành lá tươi cầm theo che trên đầu. Máy bay địch lượn lờ và thỉnh thoảng một trận pháo đổ dồn từ phía Bình Dương, Đồng Dù ập tới. Tôi vốn là lính bộ binh đôn lên trinh sát nên mấy ngày nay nằm gần đại đội cũ của mính, tôi mò xuống C7.

Lính mới bổ sung tháng 12 năm 1974 toàn quân Phú Thọ nên bọn tôi nằm trong cỏ mà thả hồn tán chuyện quê hương. C7 đóng ở một khu đất áng chừng trước đây là một xóm nhà dân trù phú. Vẫn còn những chân cột, góc chuồng lợn và cây trái ăn quả. Cỏ lau, cỏ lác mọc um tùm lên những nền nhà, những góc vườn chả biết chủ nhân của của mảnh đất này giờ lưu lạc góc trời nào.

Thằng Hòa, người phố Cao Băng, Phú Thọ, đặt khẩu B41 tựa lên thân cây rễ còng queo, lá xanh che vòm như cái tán ô. Mà kì lạ, phía bên trên chòm lá xanh là những cánh hoa đỏ chói, chen lẫn những cánh hoa trắng như cánh bướm. Những cánh bướm mỏng manh sau mỗi đận pháo nổ lại rung rinh lắc lư trên đầu. Gió sông Sài Gòn làm nó đung đưa, cái vòm hoa ấy xôn xao tiếng cười, tiếng hát của lính.

Tôi bảo: “Hòa ăn chơi quá nhỉ. Nằm trong vòm hoa rõ là đẹp, viết thư cho người yêu thế kia có mà quá là mày đi học nước ngoài, đang kể về trời Âu”. Nó bảo: “Ừ thật đấy, em suýt nữa đi Tây rồi. Trường Hùng Vương chúng em đi Tây đông lắm, nhưng em lại nhận giấy báo đi bộ đội trước. Đợt chúng em nhập nhũ là 29 tháng 4 năm 1974 anh ạ - Nó bẽn lẽn - Bạn gái em cũng đi học ở Liên Xô. Em cũng mới nhận được thư cô ấy hôm ở Chơn Thành”. Tôi hỏi: “Thế mày viết thư cho người yêu chưa?

Viết luôn đi chứ, cứ gửi lên chỗ E bộ, họ sẽ chuyển cho về phía sau”. Hòa hớn hở khoe: “Có chứ anh. Có thể cô ấy sẽ nhận được thư em khi đã giải phóng Sài Gòn ấy chứ". Nó cười, vòm hoa đỏ trên đầu rung rinh. Rồi đột nhiên nó hỏi: "Anh có biết tên hoa này là gì không?”.

Tôi bảo: “Chịu, chưa thấy bao giờ”. Chúng nó - cả tiểu đội lao nhao: “Chúng em cũng thế, không biết hoa gì, cứ nghĩ anh Luân học cao hơn thì biết”. Tôi gật gù ra vẻ suy nghĩ. Chả nhẽ gọi hoa bướm? Vì cánh nó giống cánh bướm. Rồi dứt khoát tôi bảo: “Thôi nhớ ra rồi, đấy là hoa bướm”.

Mấy thằng ngồi im có vẻ tâm phục. Thằng Hòa thì nói khẽ: “Em không tin, nhưng đẹp quá anh ạ, nắng càng to màu nó càng sáng lên, rực rỡ hơn. Sau này hòa bình, em sẽ mang giống hoa này về thị xã Phú Thọ trồng và sẽ gọi là hoa Củ Chi”. Cả lũ cười nhăn răng: “Hoa Củ Chi là hoa Chỉ Cu đấy mày ơi”. Thằng Hòa và tôi cười phớ lớ. Dưới kia sông Sài Gòn xanh veo gió và trên đầu chúng tôi, hoa vẫn rung rinh đỏ.

Sáng 29 tháng 4 nổ súng đánh trận cuối cùng. Trận đánh ấp Chợ và Cầu Bông diễn ra từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Đây là phòng tuyến cuối cùng để quân ta tiến vào thành phố Sài Gòn, vì thế quân địch càng quyết tâm cố thủ. Tiểu đoàn tôi đã hi sinh hơn ba mươi tay súng. Tình cờ khu ấp Chợ Tân Phú Trung cũng miên man những rặng hoa giấy đỏ tươi và những hàng cây bằng lăng hoa tím. Mấy chục chiến sĩ gục trên mép đường bờ ruộng ngay cả dưới những vòm hoa đỏ. Pháo và đạn cối làm những cánh hoa giấy bay tả tơi.

Thằng Hòa hi sinh lúc 9 giờ sáng đang được bà con rửa ráy, khâm liệm. Khẩu B41 của nó chỉ còn một quả đạn mang theo. Chúng tôi chỉ kịp nhìn nó, cái thằng to cao, da nâu bóng và chiến đấu rất lì. Chúng tôi vội vã tiến vào Hóc Môn.

Trận địa Tân Phú Trung lùi lại đằng sau vẫn nôn nao màu đỏ của hoa giấy và man mác màu tím hoa bằng lăng.

Nhiều năm sau, trong một lần về dự gặp mặt 29 tháng 4 cùng anh em tiểu đoàn Phú Thọ. Sau cuộc liên hoan ở nhà văn hóa thị xã, cả bọn rủ nhau đến thắp hương cho thằng Hòa. Trưa hôm ấy có một người phụ nữ đi cùng cánh cựu chiến binh chúng tôi. Ở nhà Hòa ra, chị ấy mời chúng tôi đến thăm nhà. Chị nói khẽ khàng: “Nhà em cũng gần đây, mời các anh tới thăm nhà em, em là người yêu của anh Hòa nên cũng là gần gũi với các anh cả thôi”.

Thật là bất ngờ và vui, chúng tôi đi đến nhà người đàn bà có dáng đẹp mặn mà, lịch sự ấy. Tới nơi, tôi bỗng giật mình vì căn nhà đẹp thì ít mà bàng hoàng vì sắc rực rỡ hồng tươi của giàn hoa giấy thì nhiều. Cả chiều dài mặt tiền ngôi nhà long lanh màu đỏ hắt nắng xuống đường loang lổ. Trong tôi vụt hiện lên sắc hoa giấy Củ Chi với hình ảnh Hòa hôm nào. Trưa hôm ấy, người đàn bà chậm rãi kể với chúng tôi.

“…Một tuần liền kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 hầu như hàng ngàn sinh viên Việt Nam không ngủ, không học mà chỉ nhảy múa hát hò. Các bạn sinh viên nước ngoài cũng vui lây bởi chúng em. Các trường đại học có sinh viên Việt Nam đều cho sinh viên Việt Nam nghỉ học và liên hoan.

Trong niềm vui vô bờ bến ấy, em cứ hồi hộp và nhiều khi thảng thốt nghe như anh Hòa gọi. Em giở ngót chục lá thư trong một năm chúng em xa nhau, cũng là một năm Hòa đi bộ đội. Chỉ có hai lá thư viết từ chiến trường, một lá ở Tây Nguyên và một lá ở Củ Chi. Em đọc mãi đến thuộc lòng những lá thư ấy để hi vọng Hòa trở về. Cho tới hai tháng sau nhận được lá thư đề ngày 25 tháng 4 năm 1975.

Bài hát “Chuyện tình hoa giấy”.

Bài hát “Chuyện tình hoa giấy”.

Hòa kể đang ở bên sông Sài Gòn trên vùng đất có rất nhiều thứ hoa đỏ tươi ven sông Sài Gòn. Nơi ấy gọi là đất Củ Chi…- Người phụ nữ cúi xuống lau nước mắt - Các anh biết không? Trong lá thư kẹp một cánh hoa màu đỏ đã nhạt màu chuyển sang hồng. Em cũng không biết là hoa gì, chỉ nghe Hòa nói thứ hoa này mọc rất nhiều ở Củ Chi và đỏ rực rỡ khi nắng lên, rằng đây là hoa có sức sống mãnh liệt mà Hòa rất thích. Tin Hòa hi sinh đến sau vài tháng. Lúc ấy vào mùa đông.

Nước Nga trắng tuyết và em cũng sang năm học thứ hai. Em nâng niu cánh hoa màu đỏ ấy trong tuyết lạnh xứ người, người yêu em mất vào ngày cuối cùng giải phóng, em mang bông hoa ấy trở về Việt Nam và quyết tâm đi tìm nó”.

Tất cả chúng tôi đều bất ngờ và nước mắt đã mằn mặn trên khóe miệng. Tôi tưởng đâu thằng Hòa đang cười với tôi dưới vòm hoa giấy kể chuyện người yêu đang ở nước Nga…

“…Thì đây, các anh thấy đó, em đã vào Củ Chi nơi anh Hòa hi sinh và dễ dàng nhận ra loài hoa giấy mà anh Hòa thích, đã gửi nó trong thư qua hơn chục ngàn cây số đến cho em. Em mang cành hoa ở đó về trồng ở đây khi em có nhà riêng. Kì lạ. Cây hoa mọc rất nhanh và tán vươn đan như cái vòm cong cánh buồm. Đã hơn bốn mươi năm rồi, tán hoa giấy nhà em quanh năm rực rỡ, cứ đến ngày giỗ anh Hòa hoa càng rực rỡ hơn. Cả phố này không ai biết hoa ấy mang từ miền Nam về. Chỉ có hương hồn Hòa thì biết, em chắc là anh ấy biết".

Tôi trở lại An Nhơn Tây nhiều lần và lần nào cũng vậy, lại đến bên mộ thằng Hòa. Cái bia ghi: “Phạm Văn Hòa. Quê quán: phố Cao Bang TX Phú Thọ - Hi sinh 29 tháng 4 năm 1975”, hiền lành như bao tấm bia đồng đội khác. Đến bây giờ thằng Hòa vẫn chưa biết tên cái loài hoa mà nó thích. Nghĩa trang An Nhơn Tây rợp màu loài hoa ấy. Đỏ thật tươi, sống thật mãnh liệt, bốn mùa lá nó cứ rung rinh, và hoa cứ nở cả bốn mùa.

Cảm động trước mối tình của họ, tôi đã sáng tác bài thơ “Chuyện tình hoa giấy” và nhạc sỹ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc bài thơ này. Cứ mỗi lần nghe bài hát, kỷ niệm một thời sôi nổi tháng Tư xưa lại ùa về.

Nguyễn Trọng Luân

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/co-mot-chuyen-tinh-hoa-giay-543489/