Có một bức họa đi qua thời gian

Ở tuổi 83, bà Minh Thúy vẫn giữ được cốt cách nền nã, nét thanh lịch, dịu dàng đậm chất Hà Thành của người phụ nữ Hà Nội xưa. Bà chính là nguyên mẫu 'Em Thúy', bức tranh sơn dầu của danh dọa Trần Văn Cẩn, được coi là một trong những bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Kể từ ngày danh họa thăng hoa tạo nên tuyệt tác “Em Thúy” vào năm 1943, theo đánh giá của những nhà phê bình mỹ thuật trong nước và quốc tế, “Em Thúy” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của danh họa Trần Văn Cẩn và cũng là một trong tranh chân dung thành công nhất thế kỷ XX của làng mỹ thuật Việt Nam.

Cơ duyên kỳ lạ

Do một sự tình cờ, tôi được biết đến bà Minh Thúy vì bà là mẹ chồng của một nữ đồng nghiệp làm cùng tòa soạn báo. Bà ở cùng vợ chồng người con trai cả. Khi nói chuyện với tôi, bạn không gọi bà bằng mẹ mà gọi rất thân thương hai từ “Em Thúy”. Mặc dù “em Thúy” đã ở qua tuổi xưa nay hiếm, mái tóc bạc trắng pha sương, nhưng sự dịu dàng, trong trẻo, hồn nhiên từ trong tố chất ấy vẫn lưu lại đậm nét đến bây giờ trước sự bất lực của thời gian. Họ ở cùng nhau trong căn nhà ngăn nắp ngập tràn gió mát trên tầng 4 của khu tập thể Thanh Xuân Bắc.

Dáng bà nhỏ nhắn, nước da trắng hồng, trên khuôn mặt vẫn còn những đường nét thanh tú, vẻ đẹp hồn hậu trong veo như một hồ nước thanh khiết. “A! Thì ra là vậy” tôi thầm nghĩ chính sự quá đỗi dịu dàng và tinh khiết như một giọt sương ban mai ấy đã làm nên thành công của bức tranh “Em Thúy” và cũng làm lây những người xung quanh khi ở gần, họ được nhận nguồn năng lượng tích cực để thư dãn và sáng tạo.

Bà Minh Thúy trong căn phòng của mình ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc.

Danh họa Trần Văn Cẩn là anh trai của mẹ “em Thúy”. Mặc dù nhà rất đông cháu nhưng bằng con mắt xanh của hội họa, ông đã sớm nhận ra khuôn mặt thiên thần của cô cháu gái mới 8 tuổi qua mỗi lần chạm mặt. Những cháu gái khác chắc cũng có nì nèo bác Cẩn vẽ cho một bức tranh, nhưng cô bé con Minh Thúy chẳng nói gì thì ông lại chủ định mời mọc.

Bà Minh Thúy kể lại: Đó là một ngày vào đầu thu, trong chiếc áo lụa Hà Đông màu phớt hồng, bác Cẩn đã đề nghị bà ngồi làm mẫu để ông vẽ. Bức tranh vẽ rất kì công, tỉ mẩn từng chút một và hoàn thành khá lâu. Trong căn phòng của danh họa trên phố hàng Cót, Minh Thúy đi học về ngồi lên ghế mây, xung quanh người họa sĩ là toan giấy và những bảng màu. Cô bé hướng đôi mắt trong veo nhìn ra ngoài khung cửa sổ là cây bàng già, gió thu thổi lá bàng dập dềnh như những cánh bướm.

Thế giới trẻ thơ vốn giàu trí tưởng tượng, cảnh sắc đất trời vào thu qua ô cửa sổ lại càng làm cô bé thích thú và mơ mộng. Mùa thu cũng là mùa kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Danh họa Trần Văn Cẩn khi ấy 33 tuổi, miệt mài say sưa bên tác phẩm vẽ cô cháu gái. Khi bức tranh hoàn thiện, “em Thúy” đã trở nên vô cùng quý giá.

Tuổi thơ của Minh Thúy thật êm đềm và thơ mộng. Bà ngoại là một nghệ nhân nặn tò he, cả một thế giới con vật sống động với những màu sắc bắt mắt càng làm phong phú tâm hồn cô bé. Minh Thúy ngoài giờ học ở trường vẫn thường cùng bà ngoại trên chuyến tàu điện leng keng để đưa những chú tò he ngộ nghĩnh đến tay các bạn nhỏ.

Chiến tranh nổ ra, thực dân Pháp quay lại chiếm Hà Nội, gia đình Minh Thúy đi tản cư không mang theo bức tranh. Khi quay về, bức tranh đã biến mất khỏi căn nhà, em Thúy buồn vô hạn, đôi mắt đỏ hoe vì khóc. Mọi người trong nhà đều tiếc nuối bức tranh nên đã mất một thời gian dài cất công lần tìm mới hay bức tranh đang ở trong nhà của một người thợ cắt tóc. Vì quá yêu quý tác phẩm hội họa đặc biệt này nên gia đình đã bỏ ra số tiền lớn chuộc bức tranh về.

Tình yêu đẹp của “em Thúy”

Mặc dù, Hà Nội những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ thật ác liệt nhưng dường như cái chất từ tốn, thanh lịch của người Hà Nội đã ngấm vào trong máu Minh Thúy. Minh Thúy dần lớn lên trở thành thiếu nữ mang trong mình sự lãng mạn rất riêng của người Hà Nội. “Em Thúy” ngày đó đã trở thành một Minh Thúy thiếu nữ và bắt đầu biết yêu.

Hai mươi ba tuổi, Minh Thúy yêu chàng trai trẻ Đào Văn Phúc, là con trai đầu trong gia đình có 11 anh chị em, bố là nhà giáo Đào Văn Định - hiệu trưởng đầu tiên của trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Thầy giáo Đào Văn Định là người quê gốc Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên tại Nam Định. Sau 2 năm dạy học ở Hải Phòng, đầu năm 1925 thầy chuyển về dạy Trường cao đẳng tiểu học Pháp - Việt (Nam Định) hay còn gọi là trường Thành chung (tiền thân của trường THPT Lê Hồng Phong bây giờ).

Giữa năm 1926, thầy bị giáng chức xuống dạy bậc tiểu học ở Sơn Tây vì khuyến khích học sinh của trường tham gia bãi khóa và làm lễ truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Sự việc đấy khiến cho những học sinh ngày ấy tham gia phong trào yêu nước như: Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (Tổng Bí thư Trường Chinh) cùng 130 học sinh... bị buộc thôi học hoặc mất học bổng.

Sau này, thầy quay lại giảng dạy tại trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định và thầy có tất cả 40 năm đứng trên bục giảng. Ngôi trường đã đào tạo ra các nhà cách mạng, chí sĩ yêu nước, cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa với những tên tuổi lớn như: Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Mai Chí Thọ, Nguyễn Sỹ Quốc, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu...

Được biết, thành phố Nam Định đang có chủ trương đặt tên một con đường mang tên thầy giáo Đào Văn Định hoặc đặt tên cho một ngôi trường trên địa bàn thành phố mang tên người hiệu trưởng đầu tiên của trường chuyên THPT Lê Hồng Phong.

Mối lương duyên giữa Minh Thúy và Đào Văn Phúc được gia đình hai bên ủng hộ, vun vén. Yêu nhau chưa được bao lâu thì chàng trai trẻ Đào Văn Phúc sang Liên Xô học ở Đại học Tổng hợp Lomonosov. Sự xa cách về địa lý cộng với khoảng thời gian gần 7 năm học ở xứ người khiến cả hai đều bịn rịn lưu luyến chẳng nỡ rời nhau.

Bác Trần Văn Cẩn thấy vậy liền bảo với Minh Thúy, lúc này “em Thúy” đã 24 tuổi, rằng ông sẽ vẽ chân dung Minh Thúy cho người yêu đi học ở nước ngoài mang theo bức tranh cho đỡ nhớ. Bức tranh lần hai này danh họa vẽ rất nhanh. Minh Thúy chỉ ngồi mẫu một ngày là đã hoàn thành xong bức tranh.

Bức tranh “em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn.

Đến ngày lên đường đi học, trong hành lý của chàng trai trẻ có bức tranh vẽ Minh Thúy. Cô gái trong tranh với mái tóc phi-dê thời thượng, mặc áo dài trắng, khuôn mặt man mác buồn. Gần 7 năm trời đằng đẵng không được gặp mặt người yêu là khoảng thời gian rất dài với Minh Thúy và Văn Phúc. Đã qua đi bao mùa hè râm ran tiếng ve trên những con phố của Thủ đô, đã qua đi bao mùa đông buốt giá, đã trải qua bao mùa thu thay lá trên hè đường Hà Nội, đã chờ đón biết bao mùa xuân vẫy gọi từng đàn én bay về...

Thời gian dần trôi, thiếu nữ ngày nào đã tuổi 30 mà vẫn chưa chịu lấy chồng, quyết một mực đợi người yêu học xong trở về. Minh Thúy xinh đẹp, dịu dàng là vậy nên người theo đuổi cũng không ít. Có những người si mê sẵn sàng “chết” vì nàng, nhưng Minh Thúy đã khéo léo từ chối bởi trong lòng Minh Thúy đã có người trong mộng.

Năm 1964, sau gần 7 năm học ở Liên Xô, Văn Phúc về nước, hai người tổ chức hôn lễ trong sự chúc phúc của gia đình và bạn bè thân thiết. Hôm tổ chức đám cưới là một ngày trọng đại trong đời. Minh Thúy áo dài trắng nền nã, e ấp bên cạnh chú rể Văn Phúc. Ngày đấy, quà mừng cưới đơn giản lắm, có khi chỉ là một cục xà bông, tấm vỏ chăn, một tấm vải phin hay cái màn tuyn đôi, cái rổ hoặc cái chậu thau...

Quãng thời gian trước đây 7 năm người yêu đi học xa, Minh Thúy nhớ thương Văn Phúc nên đã dồn hết vào công việc thành thục nữ công gia chánh. Nàng muốn khi nào chàng về sẽ tự tay chăm sóc người đàn ông của đời mình. Sẽ đan cho chồng từ cái áo len, tấm khăn quàng cổ, khâu cho chồng chiếc cúc áo vô tình bị tuột, nấu cho chồng những bữa ăn thơm ngon. Vậy nên, việc khâu vá thêu thùa, đan lát, cắt tỉa hay cắm hoa, nấu ăn... với Minh Thúy đều trọn vẹn đảm đang khéo léo.

Minh Thúy có sở thích trong nhà bao giờ cũng có lọ hoa tươi do chính mình cắt tỉa để trên bàn gỗ kê cạnh cửa sổ. Ô cửa sổ đó lúc nào cũng mở để “em Thúy” có thể trông ra khoảng không mênh mông mà tha hồ mơ mộng tưởng tượng. Đã bao nhiêu mẫu thêu được Minh Thúy nắn nót tỉ mẩn kỹ lưỡng từng đường kim mũi chỉ ở bên chiếc bàn kê cạnh ô cửa sổ trong ngôi nhà 23 phố Hàng Cót. Thậm chí, cho đến ngày hôm nay, mấy chục năm đã qua nhưng bà vẫn lưu giữ những mẫu thêu ấy như là những kỉ vật của một thời lưu luyến đã qua và không thể nào quên.

Lấy được cô gái Hà Thành xinh đẹp dịu dàng, tinh tế, đảm đang nên nhà nghiên cứu khoa học Đào Văn Phúc chuyên tâm vào sự nghiệp giáo dục. Ông đi theo con đường của cha ông là nhà giáo Đào Văn Định đã dành trọn cuộc đời tâm huyết với nghề dạy học, trồng người. Nếu cha của ông là người hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường nức tiếng thành Nam, trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, thì ông lại kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng khoa Vật lý của Đại học Việt Bắc. Nhiều năm liền ông làm trưởng Hội đồng thẩm định Sách giáo khoa của Bộ giáo dục, nguyên quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục.

“Em Thúy” về làm dâu trưởng trong một gia đình có chồng, bố chồng, các em chồng đều công tác trong ngành giáo dục, Nhà giáo ưu tú Đào Văn Phú - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại tá Đào Văn Phùng, nguyên Trưởng khoa quân sự, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh; tiến sĩ Đào Văn Phong nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định; nhà giáo Đào Thị Phượng nguyên Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hà, Hoàng Văn Thụ TP Nam Định; GS. TS Đào Văn Phan - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược lý Đại học Y Hà Nội; nhà giáo Đào Văn Phiên nguyên Trưởng Phòng phổ thông, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nam.

Đôi mắt trong không thôi mơ mộng

Bản thân bà cũng nhiều năm gắn với nghề nhà giáo. Bà dạy nữ công gia chánh tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cho đến lúc tuổi về hưu. Sống trong một gia đình nề nếp gia phong đầy bầu không khí học thuật ấy bà luôn trân trọng. Ông qua đời, bà ở với vợ chồng người con trai cả. Bà và cô con dâu trưởng ý hợp tâm đầu ríu rít như đôi sẻ non trong không gian yên bình và ấm áp trên căn hộ tầng 4 khu tập thể Thanh Xuân Bắc.

Căn nhà này là tiêu chuẩn của nhà giáo Đào Văn Phúc được cấp vào những năm đầu của thập niên 1980 khi khu tập thể vừa hoàn thành. Trải qua mấy thập niên, những dãy nhà tập thể phủ màu rong rêu cũ kĩ nhưng bù lại những căn nhà khoác màu thời gian được xây lùi vào không gian yên bình tĩnh lặng ở bên trong tránh xa phố xá náo nhiệt ở ngoài đường Thanh Xuân tấp nập ồn ào khói bụi. Xung quanh ba phía của ngôi nhà đều có ban công nhìn ra bầu trời xanh trong mát dịu. Ngay dưới nền đất là cây phượng già đã hết mùa trổ bông nhưng cành lá vẫn dập dìu lay động mỗi khi đón gió.

Không biết loài cây gì hoa vàng óng ả yêu kiều diễm lệ như một nàng công chúa được trồng ngay gần đó. Giữa cây phượng già và cây hoa vàng là cây hoa sữa với những bông trắng nhỏ tinh khôi mà mỗi mùa thu sang cho hương thơm nức. Bà Minh Thúy ở tuổi ngoài 80 vẫn thong dong ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như bức tranh của đất trời ban tặng. Cuộc đời bà lúc nào cũng dịu dàng và êm đềm như một cơn gió mùa thu.

Bức tranh “Em Thúy” bản chính hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn một bản sao được treo trên tường phía đầu giường của bà. Em Thúy trong bức tranh và Minh Thúy ngoài đời sau gần 80 năm vẫn đôi mắt trong với cái nhìn tinh khôi mơ mộng trước cuộc đời.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/co-mot-buc-hoa-di-qua-thoi-gian-506426/