Có một 'bến chờ' của đất U Minh

Đọc 'Bến chờ', cảm giác như đang chèo chiếc xuồng đóng bằng những con chữ mộc mạc, chậm rãi đi qua những bụi ô rô mọc dọc bờ sông, những góc trâm bầu...

Hơn một lớp người đi qua, kể từ ngày những truyện ngắn đặc sắc về vùng đất rừng U Minh của các nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc ra đời. U Minh - Miệt Thứ sau bấy nhiêu năm có gì đổi khác, khi lớp trẻ 8X, 9X lần lượt ra đời?

Nghĩa tình sâu nặng và chất hào sảng của người phương Nam

Tập truyện ngắn Bến chờ của tác giả 9X Nguyễn Chí Ngoan được nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ phát hành quý II, 2019. Không gây khó cho người đọc, cũng không trói buộc bằng những điều dữ tợn. Nguyễn Chí Ngoan như người lưu giữ và chăm sóc một khu rừng nguyên sinh ký ức, cần mẫn và tái tạo.

Đọc Bến chờ, cảm giác như tác giả đang chèo chiếc xuồng đóng bằng những con chữ mộc mạc, đưa độc giả chậm rãi đi qua những bụi ô rô mọc dọc bờ sông, những góc trâm bầu có bóng người ngồi quay mặt vào rừng, đang khóc...

Bìa sách Bến chờ.

Bìa sách Bến chờ.

Nhân vật trong tập truyện ngắn Bến chờ hình như ai cũng có riêng một nỗi buồn. Cứ đi một đoạn lại thấy có sự bùi ngùi. Nhưng sâu thẳm nỗi buồn đó, không phải là đáy vực tuyệt vọng, mà là một khoảng xanh, tiếng người, tiếng chim chóc, cây rừng và hơi thở của sự sống phía trước mang đầy hy vọng. Các nhân vật của Ngoan đều có chung phẩm chất, dù trong hoàn cảnh nào vẫn nghĩa tình sâu nặng và hào sảng, đúng chất “Người phương Nam say thì say trọn / Người phương Nam buồn thì buồn sâu” (thơ Vũ Hồng).

Những tên xóm Ruốc, xóm Mù U, Miệt Thứ... cùng các nhân vật: Út Đua, Lài, Nhiên, Trứ, Hừng, cu Tí, Út, cố Mười, Củi, Tí Nị, Nương... nghe thôi đã làm cho người đọc hình dung đến một xứ sở heo hút, buồn, nhưng lại có chút tò mò. Sự tò mò chính đáng ấy được tác giả giãi bày với những chi tiết “trôi tì”, “đẩy xịp” của một cuộc bài Tứ Sắc mà cánh đàn bà quê anh lúc rảnh rỗi vẫn hay “lên sòng”.

Ở đó có gia đình khi ba má đi vắng, hai anh em đứa nhỏ “cả gan” phá nát ổ ong vò vẽ (mặc dù đã được má dặn không được động đến, đợi nó trọng trọng ba bắt vô nấu cháo cho ăn); hay anh em đứa trẻ lên mười đè con heo ra thiến (để giấu tiền thuê bác Chín thiến heo, chia nhau); hoặc hình ảnh má vừa khóc vừa lấy dầu lửa, bồ hóng và lá ổi đâm nát để cầm máu cho con heo vừa bị hai anh em thiến, nằm xụi lơ trên nền máu me bê bết. Và có cả người mẹ đẻ lọt đứa con dưới đò dọc khi đang trên đường ra trạm xá...

Con ong chăm chỉ ở đất U Minh

Gấp lại sách rồi, nhiều ngày sau tôi cứ nhớ đến mấy chi tiết trên một cách không đầu không cuối. Tự hỏi, mấy hôm rày, mình đã nghe ai kể câu chuyện trên. Đến khi chực nhớ đã đọc ở Bến chờ. Mới biết, thành công ở tác phẩm không phải ở chỗ nó dữ dội đến mức nào, mà ở việc nó ám ảnh đến người đọc ra sao và bao lâu...

Với những chi tiết đọng lại của Bến chờ, “con ong” Nguyễn Chí Ngoan đã thành công khi không cần bay đi đâu xa, chỉ quanh quẩn mảnh đất U Minh - Miệt Thứ, với đôi mắt quan sát mẫn cảm của người viết, anh đã cần mẫn, lặng lẽ tạo cho bạn đọc được những giọt “mật rừng U Minh” trong lắng, đặc sắc, không pha lẫn nhưng cũng không kém phần thú vị, gợi nhắc nhớ mà ám ảnh.

10 truyện ngắn trong tập truyện Bến chờ là 10 bức tranh sinh động, với lời kể dường như có sự chuyển mình từ giọng thủ thỉ của đứa trẻ với anh Hai mình, cho đến khi thành một thanh niên xứ “ruộng trên đất mặn ven rừng”. Có thể 10 truyện ngắn này được viết trong nhiều năm, dọc theo những biến chuyển và độ dày chiêm nghiệm cuộc sống cũng như chữ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn thấy một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt những truyện ngắn, đó là tấm lòng sâu nặng nghĩa tình, nỗi niềm bao dung ký ức và những nỗi buồn hồn nhiên, hào sảng có thể rực rỡ qua lăng kính của nhà văn và con chữ.

Vườn quốc gia U Minh.

Tác giả Nguyễn Chí Ngoan là một giáo viên quanh năm gắn bó với đám trẻ tập đánh vần những con chữ đầu đời ở ngôi trường làng quê hương Miệt Thứ ven rừng U Minh. Người thầy trẻ ấy phải là người tinh tế và có một kho tàng ký ức bao dung mới đưa vào những trang viết sự hồn nhiên lại vừa tả được “nỗi buồn hào sảng" của cư dân bản xứ.

Đọc đến cuối sách, ta vẫn như thấy tác giả vẫn còn đứng đó, nơi cuối bìa con chữ như đứng ở cái bến chờ. Chờ những điều tốt đẹp nhất, tươi sáng nhất sẽ đến với tương lai nhân vật. Như người họa sĩ vẽ lại nỗi buồn, mà lòng thầm mong nó sẽ chắp cánh bay cao, bay xa và rực rỡ như pháo hoa, sáng lên ở phía bầu trời!

Thật khó để phân định rạch ròi, như thế nào là một tập truyện ngắn hay; bởi thị hiếu, gu thẩm mỹ và sự tiếp cận của mỗi người mỗi khác. Là người đọc, tôi cảm nhận rằng, mình (được) chập chờn lâu với những chi tiết của Bến chờ. Với người sáng tác, “gây mê” cho độc giả vừa là thiên chức, vừa là niềm say mê và hạnh phúc.

Linh An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-mot-ben-cho-cua-dat-u-minh-post974017.html