'Cò' mộ lộ chuyện bán buôn đất nghĩa trang siêu lợi nhuận

Dịp Thanh minh, 'cò' mộ lại tấp nập hoạt động. Theo nhân viên kinh doanh đất nghĩa trang, nếu đàm phán được với khách hàng về mua bán đất mộ, người đầu tư chỉ cần quan tâm biên độ lợi nhuận là bao nhiêu, tính thanh khoản ra sao rồi chốt lời…

Một góc công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng. Ảnh: PV

Một góc công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng. Ảnh: PV

Đất mộ có thể cho lợi nhuận tới 20% trong tích tắc

Thực tế, người sống chưa có nhà có thể đi thuê nhà trọ, đi ở nhờ hoặc thậm chí là "để mai tính" nhưng với người đã mất thì chẳng thể trì hoãn. Bởi vậy, dù quá trình đô thị hóa khiến Hà Nội ngày một đông đúc, nhưng người dân Thủ đô vẫn phải "bằng mọi cách" để có được vài mét vuông đất cho người đã khuất. Chính bởi sự “buộc phải có” này mà các dịch vụ liên quan đến đất nghĩa trang ngày một nở rộ, trong đó phải kể đến vấn đề "xã hội hóa" đất nghĩa trang.

Trong vai người cần mua đất nghĩa trang để chuẩn bị sang cát cho mộ phần người thân trong gia tộc, PV Báo Gia đình & Xã hội được một người đàn ông có tên Nguyễn Nam Phương tự nhận là nhân viên kinh doanh tại công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bật mí: "Ngoài việc mua đất nghĩa trang để sử dụng cho mục đích gia đình thì người mua có thể làm nhà đầu tư mua đi, bán lại, đầu tư đất nghĩa trang để ăn lời. Khi trở thành nhà đầu tư thì chỉ cần quan tâm biên độ lợi nhuận, tính thanh khoản và chốt lời. Còn lại các thủ tục hợp đồng, công ty có thể lo tất cả cho khách hàng. Tuy nhiên, công ty sẽ cắt lại 20% giá trị lợi nhuận phần lãi của nhà đầu tư khi thực hiện chuyển giao hợp đồng. Đây là chi phí cho thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, chứ công ty không có phát sinh bất kỳ khoản nào”.

Theo lời giới thiệu của ông Phương, dựa vào nhu cầu của khách hàng mà chủ đầu tư nghĩa trang cung cấp các sản phẩm từ mộ đơn đến mộ đôi (bao gồm hỏa táng, nhất táng) và khuôn viên mộ gia tộc, gia đình. Mộ đôi hỏa táng có diện tích là 7,8m2/lô (2 ngôi) có giá 95 triệu đồng. Giá này đã bao gồm 4 loại phí là: Tiền đất sử dụng lâu dài; phí chăm sóc mộ phần trong thời gian 50 năm; phí xây sẵn hai huyệt mộ; phí cây cối, hàng rào, cỏ, cây tiểu cảnh. Giá này chưa bao gồm đá nổi phía trên mộ (dương trạch). Mộ đá cũng có mức giá từ 25 - 80 triệu đồng, tùy từng loại đá (đá Granite nhập khẩu theo mẫu hoặc đá tự nhiên, đá khối ghép). Mộ đôi nhất táng (hung táng) có giá 145 triệu đồng/lô, với diện tích là 12m2. Ngoài ra, có gói không cố định dành cho gia đình có diện tích từ 30m2 trở lên, với giá từ 11 - 20 triệu đồng/m2. Các mức giá này được quyết định bởi thế đất, đáp ứng yếu tố phong thủy, vị trí gần khu vực tượng Phật, đền, chùa và khu bãi đỗ xe cùng các tiện ích khác.

Cũng theo lời của ông Phương: “Việc mua đi bán lại (mộ phần) tại nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng vẫn diễn ra. Ví dụ, cách đây khoảng nửa năm, giá sản phẩm từ 8 -10 triệu đồng/m2 thì hiện nay, giá có hướng tăng lên đến 12 - 14 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số vị trí có giá lên đến 17 - 18 triệu đồng/m2 và 25 - 26 triệu/m2 cũng có. Nếu đầu tư ở thời điểm cách đây nửa năm thì bán lại ở thời điểm hiện nay sẽ có lợi nhuận. Hợp đồng giữa các bên sẽ diễn ra dưới hình thức chuyển nhượng, cho, tặng. Chuyển nhượng theo tính chất gia đình thì sẽ không mất phí. Còn chuyển nhượng theo hình thức có lợi nhuận thì công ty cung cấp đất nghĩa trang sẽ thu 20% giá trị lợi nhuận/m2 đất”. Nam nhân viên này cũng cho biết, bản thân đang đầu tư khoảng 10 lô đất nghĩa trang, ai có nhu cầu thì sẵn sàng bán lại.

“Bên em không công khai câu chuyện cho khách hàng đầu tư. Còn người đầu tư, họ chỉ quan tâm 3 vấn đề là biên độ lợi nhuận, thời gian chốt lời và tính thanh khoản là bao nhiêu. Trước đây, giá đầu tư thấp, biên độ lợi nhuận còn có thể đảm bảo được cho khách hàng, nhưng nếu đầu tư ở thời điểm hiện tại thì e là chưa thích hợp, nếu mua thì khách hàng nên giữ lại”, nhân viên này cho hay.

Về vấn đề pháp lý đất nghĩa trang, một nữ nhân viên kinh doanh khác của công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng cho hay: “Đất nghĩa trang cũng giống như đất trường học, đất bệnh viện, được cấp sổ đỏ toàn dự án có thời hạn là 50 năm. Về tính chất pháp lý thì chỉ có sổ đỏ của toàn dự án. Khi khách hàng mua đất mộ thì công ty với khách hàng thực hiện bằng hợp đồng có các điều khoản chi tiết. Các điều khoản này đã được các đơn vị tư vấn luật tư vấn rõ ràng”.

Người không có hộ khẩu thường trú tại Xuân Đỉnh phải trả mức phí 30 triệu đồng/mộ dưới hình thức tự nguyện đóng góp.

Nghĩa trang bình dân cũng phải chi tới 30 triệu đồng/phần mộ

Có mức giá đắt đỏ không chỉ ở những nghĩa trang cao cấp mà ngay cả những nghĩa trang bình dân cũng có mức giá khá chát.

Trong vai người cần tìm mua phần mộ để chuẩn bị cải táng cho người thân quá cô, anh Tiến - một nhân viên nghĩa trang Xuân Đỉnh cho hay, người mua phần mộ là công dân ngoài phường Xuân Đỉnh phải chi mức 30 triệu đồng/suất (mộ phần). Nếu 2 phần mộ thì phải chi 60 triệu đồng. Tiền này nộp trên hình thức tự nguyện đóng góp cho cơ sở hạ tầng, chưa bao gồm phí xây mộ 6 triệu đồng/ngôi. Như vậy, đối với người không có hộ khẩu thường trú tại Xuân Đỉnh, muốn đặt mộ phần tại nghĩa trang Xuân Đỉnh thì phải chi mức 36 triệu đồng/mộ phần có kích thước 0,9x1,3m.

“Hiện tại, nghĩa trang Xuân Đỉnh đang hạn chế người sinh sống ngoài phạm vi Phường, còn người có nguyên quán ở Xuân Đỉnh thì phải chi trả mức phí đóng góp cơ sở hạ tầng từ 5 - 10 triệu đồng. Đối với người hưu trí (không làm nông nghiệp) phải trả mức phí là 2 triệu đồng/mộ. Các mức đóng góp này chưa bao gồm phí xây mộ 6 triệu đồng/người”, anh Tiến cho hay.

Cũng theo anh Tiến, ngoài các mức phí trên, gia đình phải nộp thêm khoảng 500.000 đồng/mộ/năm phí chăm sóc, dọn dẹp. Số tiền này sẽ thông qua hợp đồng nếu khách hàng muốn, ngược lại thì quản trang sẽ có trách nhiệm thực hiện như giao ước ban đầu.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về điều khoản việc bán lại hay chuyển nhượng có lãi là bao nhiêu phần trăm giá trị lãi thì đơn vị cung cấp đất được phép thu như đã thỏa thuận ban đầu, các bên phải tôn trọng thực hiện vì đây là thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp đơn vị cung cấp đất mộ không chi tiết trong hợp đồng, mà ép người mua phải thanh toán thì hoàn toàn không có căn cứ. Khi thực hiện việc chuyển nhượng hợp đồng mà đơn vị cung cấp đất ép khách hàng buộc phải nộp là trái luật, vi phạm thỏa thuận hợp đồng. Trong trường hợp 3 bên này, đơn vị cung cấp đất mộ có trách nhiệm thực hiện thanh lý hợp đồng ban đầu, sang tên cho chủ đất mới. Còn nếu lý giải chi phí phần trăm đó là thuế doanh nghiệp, hay thuế thu nhập cá nhân là hoàn toàn vô lý. Thu thuế doanh nghiệp phải trên cơ sở xuất hóa đơn. Đây chỉ là chuyển nhượng hợp đồng. Hơn nữa, trong hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận ban đầu thì đòi hỏi đó là không có căn cứ, không phù hợp với xu thế xã hội”.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Hội có khoảng 2.640 nghĩa trang nhân dân, với tổng diện tích 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 4 nghĩa trang cấp thành phố, 3 nghĩa trang cấp huyện, còn lại là nghĩa trang xã, thôn nằm rải rác cùng các khu dân cư.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội về quản lý, đầu tư hệ thống nghĩa trang, các nghĩa trang cấp xã (hiện chiếm phần lớn) có ban quản lý hoặc cán bộ quản trang tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vẫn thiếu chặt chẽ, không thống nhất, chủ yếu theo tiền lệ, phong tục tập quán, hương ước địa phương. Dịch vụ xây cất, vệ sinh môi trường còn tùy tiện; vi phạm về sử dụng, giá dịch vụ, khoảng cách mộ, kích thước, kiểu dáng… chưa được xử lý.

Nhóm phóng viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/co-mo-lo-chuyen-ban-buon-dat-nghia-trang-sieu-loi-nhuan-20190411101153193.htm