Có 'mini Pantsir-S1' tự chế, nếu thêm siêu cận vệ của S-400, PK Việt sẽ lột xác ngoạn mục?

Trong chiến tranh hiện đại, UAV sẽ trở thành loại vũ khí chủ yếu, không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các nước đều tính tới phương án khắc chế đối thủ nhỏ hết sức nguy hiểm này.

Pantsir-S1 - Cận vệ của tên lửa S-400 vượt khó ở Libya và Syria

Cuộc đối đầu nảy lửa giữa "bầy UAV" với sát thủ Pantsir-S1 đồng thời xảy ra cả ở 2 chiến trường Syria và Libya.

Mặc dù hiệu quả chiến đấu của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm gần "cận vệ" của tên lửa S-400 vẫn khá cao nhưng chúng cũng gặp những khó khăn nhất định và đã có không ít lần "kẻ đi săn" bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ biến thành con mồi.

Theo thông kê chưa đầy đủ và có thể ẩn chứa cả yếu tố "tâm lý chiến", trong vòng 6 tháng trở lại đây, nhiều tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria cũng như của LNA đã bị UAV tiêu diệt.

Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố có ít nhất 25 tổ hợp phòng không tầm thấp này bị loại khỏi vòng chiến đấu, tuy nhiên, cách đây ít hôm họ lại vô tình đính chính rằng chỉ có 9 Pantsir-S1 bị tiêu diệt mà thôi, giải tỏa bóng mây đen nặng nề che phủ lên "cận vệ S-400" cách đây 1-2 tháng, khi liên tiếp có những thông tin không mấy tốt đẹp.

Vẫn biết trong chiến tranh, tổn thất là không thể tránh khỏi. Nhưng vũ khí hiện đại như Pantsir-S1 dù có tốt đến đâu đi chăng nữa mà muốn phát huy tối đa hiệu suất chiến đấu thì yếu tố con người là đặc biệt quan trọng, có tính quyết định.

Nguyên nhân Pantsir-S1 tổn thất tại 2 chiến trường nóng bỏng nói trên thì có nhiều, nhưng tập trung vào 2 nhóm chính:

Thứ nhất, chênh lệch về lực lượng. "Bầy UAV" của Thổ Nhĩ Kỳ có ưu thế vượt trội về số lượng, chủ yếu là hàng "nhà trồng được", đảm bảo nguồn bổ sung liên tục và liên tục.

Ngược lại, cả phòng không Syria và LNA đều ở hữu không nhiều các "liều thuốc đặc trị", trong khi mạch tiếp tế có hạn, nên dù sở hữu sát thủ UAV Pantsir-S1 rất hiện đại nhưng không hiếm những thời điểm phải hứng chịu thất bại nặng nề, không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, có sai lầm về chiến thuật cũng như sự chủ quan khinh địch. Trrong cuộc đối đầu "một mất một còn", mỗi sai lầm đều phải trả giá rất đắt.

Chúng ta đã từng chứng kiến kíp chiến đấu của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Syria hay của LNA ở Libya để xe phơi mình giữa nơi trống trải, không ngụy trang, không công sự che chắn, và điều tất yếu đã đến, UAV Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel dễ dàng ra đòn kết liễu.

Một phần vì hạn chế về số lượng nên các tổ hợp Pantsir-S1 thường đi lẻ, không được đồng đội bảo vệ, một khi bị UAV phát hiện, chúng có thể biến thành con mồi ngon. Đây là một trong những điểm yếu cố hữu mà lâu nay cả phòng không Syria và LNA đều khắc phục rất chậm chạp, thiếu quyết liệt.

Thứ ba, đúng là Pantsir-S1 vẫn còn có những hạn chế nhất định. Vì thế, để nâng cao hiệu quả chiến đấu đối phó với UAV, các nhà chế tạo Nga đã nhanh chóng cho ra đời phiến bản mới Pantsir-SM với nhiều tính năng vượt trội.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga bảo vệ căn cứ sân bay Khmeimim, Syria.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga bảo vệ căn cứ sân bay Khmeimim, Syria.

Có "mini Pantsir-S1 tự chế", VN vẫn cần siêu cận vệ mới của tên lửa S-400?

Trong các bài trước chúng tôi đã đề cập tới việc Việt Nam đang đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng mạng lưới phòng không tầm thấp khi liên tiếp nâng cấp các loại pháo cao xạ có khả năng tự động hóa cao, cơ động nhanh, được tích hợp hệ thống trinh sát chỉ thị mục tiêu đảm bảo tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.

Bên cạnh đó, CNQP Việt Nam cũng cho ra đời tổ hợp tên lửa tầm thấp A-72 cơ động nhanh, được ví như một tổ hợp pháo tên lửa Pantsir-S1 thu nhỏ đồng thời tăng cường mua sắm nhiều loại radar thế hệ mới cả từ nước ngoài lẫn hàng "made in Vietnam". Tuy nhiên, dường như thế là chưa đủ.

Trong tương lai không xa, môi trường tác chiến hiện đại sẽ có những thay đổi bước ngoặt khi UAV chắc chắn sẽ trở thành loại vũ khí tấn công đường không chủ yếu, thay thế dần máy bay có người lái, vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà hấu hết các nước trên thế giới đều đã và đang tính tới phương án khắc chế đối thủ nhỏ nhưng hết sức nguy hiểm này.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-SM tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở Moscow.

Việc Nga chế tạo thành công tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-SM hoàn toàn mới mở ra cho phòng không Việt Nam một lựa chọn tuyệt vời.

Siêu cận vệ mới của tên lửa S-400 này được phát triển dựa trên những kinh nghiệm thực chiến ở Syria, vượt trội so với thế hệ Pantsir-S1, với tính năng tác chiến được đánh giá tăng 1,5-2 lần.

Chúng được đặt trên khung gầm xe bọc thép Tornado-K và sử dụng các đạn tên lửa nhỏ hơn giúp tăng số lượng ống phóng tên lửa mang theo lên gấp 4 lần (tăng từ 12 lên 48 tên lửa).

Tổ hợp có radar đa chức năng mảng định pha chủ động (AESA) mới, giúp tăng tầm phát hiện mục tiêu lên 75km so với phiên bản cũ là 40km, tầm dẫn bắn mục tiêu tăng lên 40km.

Ngoài ra, radar AESA còn tăng số lượng mục tiêu giám sát cùng lúc và khả năng phát hiện các mục tiêu có tính bộc lộ radar thấp, như tên lửa hành trình và mục tiêu bay trang bị công nghệ tàng hình.

Đây là tổ hợp phòng không hoàn toàn khác biệt so với phiên bản Pantsir-S1 trước đó. Thiết kế mới cho phép Pantsir-SM đối phó hiệu quả hơn với các đợt tấn công với quy mô bầy đàn của máy bay không người lái tấn công liều chết.

Với sự xuất hiện của Pantsir-SM, đây có thể là lựa chọn phù hợp để thay thế và bổ sung cho lưới lửa của các tổ hợp phòng không tầm ngắn đã cũ có nguồn gốc Liên Xô mà hiện phòng không Việt Nam đang sử dụng.

Tuy nhiên, do tổ hợp này còn quá mới, đến ngay Quân đội Nga cũng mới chỉ được tiếp nhận từ đầu năm 2021, nên nếu Việt Nam có đặt mua thì cũng sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa, nhưng xúc tiến ngay từ bây giờ, biết đâu một lần nữa Việt Nam sẽ lại là khách hàng đầu tiên sở hữu loại vũ khí độc đáo này, giống như với những tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P.

Bình Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/co-mini-pantsir-s1-tu-che-neu-them-sieu-can-ve-cua-s-400-pk-viet-se-lot-xac-ngoan-muc-8202037114720247.htm