Cô Mến

Tôi đứng trên bờ sông nhìn theo chiếc ghe đã buông bờ trôi về phía xa tít, để lại sau lưng những mảng sóng nhấp nhô, lòng tôi ngậm ngùi. Chị tôi nói, người đàn bà bán hàng bông lênh đênh trên chiếc ghe đó chính là cô Mến, sau khi về hưu, cô Mến sống bằng nghề bán hàng bông rày đây mai đó, thi thoảng đi ngang qua xóm này nhìn chị tôi cười hiền và không quên nhắc đến tôi: 'Trò Tâm chắc giờ thành đạt rồi, chắc quên cô Mến luông rồi heng'.

Nghe chị nói mà lòng tôi cay xé. Tôi không quên cô Mến, nói đúng hơn là lúc nào nhớ lại thuở thiếu thời đã qua tôi cũng đều nhớ đến bóng dáng nhu mì của cô. Nhưng vì đường xa, vì công việc, vì vòng xoáy tất bật của cuộc mưu sinh và theo đuổi danh vọng đã ngốn hết thời gian của tôi. Quê nhà xa lắc, người xưa xa lơ. Tôi không có dịp về thăm cô Mến, hoặc có về cũng chỉ quanh quẩn trong nhà với má chứ không bước chân tới cái xóm nhỏ nằm dưới rặng dừa nghiêng ngả bên sông mà hỏi thăm cô Mến giờ sống ra sao, có còn nhớ cậu học trò ngày nào tinh nghịch khiến cô rầy hoài nhưng cô thương chứ không hề ghét bỏ.

Minh họa: Xuân Huyền.

Minh họa: Xuân Huyền.

Chị em tôi ai cũng đã từng ngồi học trong lớp của cô Mến dưới mái trường làng thân thương. Hồi ấy, trường làng còn nghèo và xơ xác, chỉ là mái trường cất bằng tre nứa, lợp lá tạm bợ. Cô Mến dạy lớp hai. Chị tôi học xong lớp hai của cô Mến rồi nghỉ học phụ má. Sau này chị đưa tôi đi học, gặp cô Mến chị cứ nhắc mãi chuyện hồi đó chị học giỏi dữ lắm, chị nói với vẻ mặt tiếc nuối: “Phải chi nhà em không nghèo thì em đã đi học rồi chứ không nghỉ, tiếc đứt ruột”. Cô Mến cười vịn vai tôi, bảo tôi phải học cho giỏi, học cho cả phần của chị nữa. Tôi gật đầu, mắt tôi cay cay. Lúc đó, tôi chỉ biết tự dặn mình phải học thật giỏi để chị tôi vui lòng. Mỗi ngày chị đưa tôi đến lớp bằng chiếc xuồng có mái chèo phía sau. Nhà tôi ở miệt sông nước nên xuồng ghe là phương tiện di chuyển chủ yếu. Hôm nào trời mưa chị tôi còn vòng qua xóm bên đón cô Mến rồi cả ba cùng đi tới trường. Chiếc xuồng chòng chành mang bao kỷ niệm đẹp. Trường làng hiện ra, nép mình dưới bóng còng rụng bông hồng phấn cả sân trường. Tiếng cô Mến thánh thót giảng bài. Gió lùa qua cửa sổ. Những trang vở tôi đầy những nét chữ nghiêng nghiêng như đám mạ, bao giấc mơ đẹp hiện hình trong mùi thơm sách tập ngọt ngào.

Tôi cứ nhớ hoài ngày cuối cùng tôi còn học lớp hai của cô Mến, năm sau tôi đã lên lớp ba của cô Mai, không còn được nghe cô Mến giảng bài trong những sáng, những chiều trong vắt. Tôi vịn mãi cánh tay cô Mến, cô xoa đầu tôi bảo: “Ai rồi cũng phải lớn lên, trò Tâm cũng vậy, đừng khóc nữa, cô vẫn ở đây dõi mắt theo em”. Tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Tiếng trống trường vang lên là khi tôi bước ra khỏi lớp hai đong đầy kỷ niệm. Cô Mến vẫn đứng yên trước bục giảng, mắt sóng sánh nước. Ôi, người cô đáng kính của tôi!

Chị tôi nói cô Mến đổ vỡ trong cuộc hôn nhân, sau khi về hưu đã phải chạy vạy để mưu sinh, sống đời gạo chợ nước sông. Tôi buồn bã trách mình đã quên đi người cô mà mình từng yêu thương hết mực. Đời người như con sông, khúc này khúc khác, làm sao biết được phía trước nước bình yên hay dông bão điệp trùng. Tôi ngồi bên bờ sông nghĩ về cô Mến, chị tôi giờ cũng đã lấy chồng xa, may mắn ngay lúc tôi về thăm má thì chị cũng xin được chồng cho dẫn con về thăm bà ngoại. Chị ngồi vuốt tóc tôi, hệt như hồi tôi còn nhỏ. Tôi thoáng nghe trong gió hương bồ kết thơm tho từ mái tóc chị vẩn ra, mùi hương mà chị tôi vẫn giữ cho đến khi đầu lấm tấm vài sợi bạc vì sương nắng...

Còn cô Mến, dòng đời nổi trôi, tôi sẽ về qua xóm nhỏ thăm cô, ngồi ôn lại những kỷ niệm năm nào, để kịp nói với cô lời cảm ơn...

Tản văn của HOÀNG KHÁNH DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/co-men-649197