Cỗ máy hùng mạnh Mỹ lo sợ nhất điều gì?

Xung đột vũ trang sẽ bắt đầu không phải bằng các cuộc oanh tạc trên không, đổ bộ vào bờ biển hay các cuộc tấn công quy mô lớn trên đất liền.

Mỹ chấp nhận thua ở hiện tại?

Truyền thông Nga đưa tin, một uy ban đặc biệt mang tên Tương lai Quốc phòng (FDTF) thuộc Quốc hội Mỹ trong một báo cáo dài 87 trang đã nêu ra những hướng phát triển quân sự đầy hứa hẹn của Mỹ rong những thập kỷ tới.

Đó là phát triển trí thông minh nhân tạo, cải tiến vũ khí mạng, phòng thủ trước các mối đe dọa sinh học. Theo Sputnik, FDTF được thành lập hồi tháng 10/2019 nhằm phát triển chiến lược đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Theo đó, các nghị sĩ Mỹ thuộc ủy ban này đã gọi Moscow và Bắc Kinh là mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ và đưa ra các khuyến nghị cho Lầu Năm Góc để đối phó.

Ủy ban này đánh giá, những tiến bộ trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, hệ thống vũ trụ, vũ khí mạng, công nghệ sinh học và chiến tranh điện tử sẽ rất sớm dẫn đến thực tế là các phương pháp chiến tranh truyền thống cuối cùng sẽ trở thành dĩ vãng.

Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn từ trên cao

Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn từ trên cao

Xung đột vũ trang sẽ bắt đầu không phải bằng các cuộc oanh tạc trên không, đổ bộ vào bờ biển hay các cuộc tấn công quy mô lớn trên đất liền mà sẽ bằng các cuộc tấn công tin tặc có chủ đích vào cơ sở hạ tầng quan trọng, lưới điện, hệ thống tài chính, y tế của đối phương. Các trận chiến sẽ diễn ra trong không gian và không gian mạng. Thành công trên những mặt trận này có thể làm tê liệt quốc gia bị tấn công.

Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ tin tưởng những phương pháp như vậy hoàn toàn phù hợp với sức mạnh các đối thủ của Mỹ, những người thay vì cạnh tranh với cỗ máy phòng thủ hùng mạnh của Mỹ sẽ cố gắng vô hiệu hóa bằng một số cuộc tấn công có mục tiêu và không tốn kém.

Các nghị sĩ Mỹ cho rằng cần phải đầu tư quy mô lớn vào khoa học để bảo vệ họ trước các mối đe dọa mới. Một trong những đề xuất là chi ít nhất 3,4% ngân sách quân sự cho các công nghệ tiên tiến và bắt buộc các quân binh chủng lực lượng vũ trang không tiết kiệm nguồn lực để tích hợp vào quân đội.

Báo cáo cho biết: "Điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội theo nghĩa đen. Việc đưa AI vào quân đội và hệ thống an ninh quốc gia về cơ bản sẽ thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh. Một quốc gia chiến thắng trong cuộc đua tạo ra AI sẽ có lợi thế quân sự, kinh tế quan trọng không thể phủ nhận”.

Báo cáo phần nào phản ánh suy nghĩ của người Mỹ về chiến tranh tương lai bên ngoài môi trường truyền thống của các lực lượng hải, lục, không quân

Các nghị sĩ Mỹ đánh giá, máy tính vốn đã vượt trội hơn rất nhiều so với con người trong việc xử lý thông tin và ra quyết định. Quân đội đang sử dụng AI để tạo ra các nền tảng chiến đấu tự động mà không cần sự can thiệp của con người, có thể độc lập tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu kẻ thù. Theo họ, “loại vũ khí này đặc biệt hiệu quả trong chiến thuật bầy đàn khi nhiều robot nhỏ tấn công một mục tiêu".

Báo cáo lưu ý AI cũng có thể được sử dụng để do thám, theo dõi mạng lưới đối thủ, lập kế hoạch hoạt động chiến đấu… Trên toàn cầu, AI chính thức sẽ đóng góp rất nhiều vào thị trường thương mại, giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính.

Các nghị sĩ Mỹ kết luận quốc gia đầu tiên tạo ra AI sẽ thực sự giành được quyền lực trên toàn thế giới. Do đó, đề xuất được đưa a là cung cấp khả năng tích hợp sâu AI vào tất cả các loại thiết bị quân sự hứa hẹn mà Lầu Năm Góc mua sắm.

Vũ khí Nga khiến Mỹ tuyệt vọng?

Đề cập đến lĩnh vực công nghệ sinh học, báo cáo của các nghị sĩ Mỹ cho rằng Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong quân sự có thể sử dụng công nghệ sinh học để tăng hiệu quả chiến đấu của quân nhân. Những tiến bộ trong sinh học tổng hợp sẽ dẫn đến việc tạo ra các mã di truyền không tồn tại trong tự nhiên nhưng trở thành một vũ khí đáng gờm và hiệu quả.

Theo báo cáo này thì "virus quân sự" thuộc thế hệ hành động chọn lọc mới, ví dụ, chỉ lây nhiễm cho đại diện của một nhóm dân tộc nhất định hoặc một loại cây trồng sâu bệnh tàn phá đồng ruộng và gây ra nạn đói trong đất nước đối địch.

Các chuyên gia thuộc Ủy ban đặc biệt Quốc hội cho biết Mỹ đang dẫn đầu về số lượng người mắc COVID-19. Điều này có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe và an ninh quốc gia nói chung của Mỹ vẫn rất dễ bị tổn thương.

Tổng thống D. Trump mắc COVID-19 cùng những tổn thất về người nặng nề do đại dịch chứng minh một cỗ máy hùng mạnh như Mỹ vẫn rất dễ bị tổn thương

Theo Sputnik, trên thực tế thì Mỹ không "khoanh tay" với việc thử nghiệm vũ khí vô hình. Ở nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, có rất nhiều phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ không cho phép người bình thường tiếp cận. Theo một số chuyên gia quân sự Nga, "virus chiến binh" đang được phát triển ở các phòng thí nghiệm này.

Đối với các hoạt động trên không gian mạng và tác chiến điện tử, báo cáo nhấn mạnh rằng trong thế giới tương lai, các tin tặc được đào tạo bài bản sẽ làm được nhiều việc cho sự thành công của một chiến dịch hơn là các đơn vị quân đội. Các chiến dịch trong không gian mạng có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị hoặc kinh tế, gián điệp, tấn công vào các yếu tố cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các nghị sĩ Mỹ khuyến nghị không chỉ phát triển khả năng tấn công của Mỹ trong lĩnh vực này mà còn chuẩn bị cho việc phòng thủ vì việc máy tính hóa và tích hợp vũ khí của Mỹ vào mạng khiến chúng dễ bị tin tặc tấn công.

Các tác giả của báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các phương pháp bảo vệ mới chống lại các tổ hợp hoạt động tác chiến điện tử hiện đại. Đặc biệt, họ đề xuất tạo ra một giải pháp thay thế cho Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vốn dễ bị gây nhiễu.

Báo cáo của các nghị sĩ Mỹ càng chứng tỏ Nga và Trung Quốc đang vượt trước Mỹ trong nhiều lĩnh vực trọng yếu

Bên cạnh đó, không gian vũ trụ được đề cập nhiều lần trong bản báo cáo. Các tác giả cho rằng Nga và Trung Quốc đã tăng cường đáng kể khả năng trên quỹ đạo Trái Đất thấp trong những năm gần đây.

Các chuyên gia Mỹ tin rằng Moscow và Bắc Kinh đang phát triển tên lửa chống vệ tinh đặt trên mặt đất có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng vũ trụ của Mỹ, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của việc phát triển các nền tảng quân sự trên quỹ đạo của riêng mình.

Một điểm đáng chú ý khác là bản báo cáo 87 trang của các nghị sĩ Mỹ kêu gọi đẩy nhanh chương trình quốc gia chế tạo vũ khí siêu thanh với lý do thực tế là Nga và Trung Quốc đã có các hệ thống như vậy. Các nghị sĩ Mỹ lo ngại nếu không có các hệ thống tấn công như vậy, Mỹ sẽ không thể thực hiện đầy đủ chiến lược "Tấn công nhanh toàn cầu".

Như để khoét sâu thêm “nỗi đau” của người Mỹ trước sự phát triển sâu rộng ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là các loại vũ khí mới, trang Sina của Trung Quốc mới đây cho rằng các loại tên lửa của Nga như "Sarmat", "Avangard" và "Yars" sở hữu nhiều đặc tính chiến đấu vượt trội và cực kỳ nguy hiểm đối với kẻ thù tiềm tàng.

Theo đó, việc tái trang bị cho lực lượng tên lửa Nga những mẫu tên lửa có tầm bắn xa hơn 10.000 km này sẽ khiến Mỹ rơi vào tình thế “tuyệt vọng, không lối thoát”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/co-may-hung-manh-my-lo-so-nhat-dieu-gi-3420445/