'Có lợi ích nhóm tạo cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch'

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã đặt vấn đề như vậy trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Kết thúc 3 ngày chất vấn tại nghị trường, nhiều vấn đề nóng đang được cử tri quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra với tư lệnh ngành cũng như Thủ tướng Chính phủ, người cuối cùng trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều qua (8/11).

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, qua vụ việc Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc, có dấu hiệu cho thấy vấn đề lợi ích nhóm tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bộc lộ lỗ hổng về an ninh quốc gia.

Theo ông Nhưỡng, qua vụ việc vừa rồi cần làm 3 việc là xử lý nghiêm các vi phạm; cần xem xét lại, hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Đồng thời, ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này.

Trước đó, ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Cụ thể, ông Nghĩa cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước còn quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Ông cũng đề cập thông tin mới đây, tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. “Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này”, ông Nghĩa nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phần trả lời cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng quy định Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, tránh tình trạng như vừa qua.

“Tôi nhất trí rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra để thực hiện đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 10/2019, người dân Hà Nội đã trải qua một cuộc khủng hoảng về nước mà nguyên nhân xuất phát từ một nhóm người đổ toàn bộ 10.000 lít dầu thải vào nguồn nước Sông Đà và xử lý lúng túng của Nhà máy nước Sông Đà khi chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng ngay và thực hiện hành động cắt nước khẩn cấp. Lúc này, vấn đề an ninh nguồn nước cũng được đặt ra một cách cấp thiết hơn.

Trong trao đổi trước đó với báo chí, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, đồng thời là Chủ tịch HĐTV Công ty Thiết bị điện GELEX, chủ sở hữu 65% của Nhà máy nước sạch Sông Đà từng cho biết, sự cố này là "sự cố nghiêm trọng và chưa từng xảy ra khi các nhà máy nước do nhà nước quản lý, đến khi giao về tư nhân" và cho biết về "kẽ hổng của an ninh nguồn nước".

"Lẽ ra các hồ chứa nước đầu vào đều nên đưa vào danh sách các công trình trọng điểm quốc gia để nhà nước bảo vệ và có luật nghiêm khắc hơn”, ông Tuấn nói.

Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ lớn đến từ chênh lệch giá mua buôn?

Miễn nhiệm Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Sông Đà

BẢO VY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/co-loi-ich-nhom-tao-canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-thi-truong-nuoc-sach-3526826.html