'Cổ Loa thành thất thủ' (Kỳ 10 - Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử 'Cổ Loa thành thất thủ' của PGS TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2019.

Kỳ 10

Nhờ vậy, ngựa của An Dương Vương thoát ra ngoài thành. Ngựa phi nước đại về hướng Nam. An Dương Vương ngoảnh đầu nhìn lại, thành Cổ Loa chìm trong máu lửa chết chóc. Cảnh tượng đó làm chấn động suốt một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Hồng. Tiếng vó ngựa, tiếng quân reo, những làng mạc, sông ngòi đồng ruộng của Âu Lạc hiện ra và lùi dần về phía sau vó ngựa của hai cha con An Dương Vương. Trên mình ngựa, những chiếc lông ngỗng từ tay công chúa Mỵ Châu rút ra từ chiếc áo của nàng và bay trắng xóa về phía sau trên con đường hai cha con đang chạy trốn. Nàng vẫn đang thực hiện lời hứa của nàng với Trọng Thủy. Lông ngỗng sẽ là dấu hiệu duy nhất để Trọng Thủy tìm lại nàng trong cảnh loạn ly. Nhờ có dấu lông ngỗng, Trọng Thủy và đội quân của hắn vẫn bám đuổi được hai cha con Mỵ Châu sát phía sau. Con ngựa cường tráng đã đưa Thục Vương và Mỵ Châu chạy qua bộ Giao Chỉ, qua bộ Cửu Chân và bắt đầu đến địa đầu của bộ Hoàn Hoan. Ngựa đã chạy một mạch hai ngày một đêm. Ngựa đã bắt đầu chùn bước, nó đi chậm rải. An Dương Vương nhìn một bên là biển cả mênh mông, một bên là miền đồi núi hoang vu. Tiếng vó ngựa và hò reo của quân giặc vẫn chấn động phía sau. An Dương Vương bất ngờ nhìn lại phía sau. Từ tay Mỵ Châu, đứa con mà An Dương Vương yêu quý nhất hoàng gia, những chùm lông ngỗng trắng xóa rải xuống chỉ đường cho giặc. Bây giờ An Dương Vương đã hiểu vì sao chạy suốt hai ngày đường ròng rã mà giặc vẫn đuổi sát phía sau. An Dương Vương vô cùng tức giận rút gươm ra quát lên như sấm:

-Sao con lại phản lại ta?

Trong ánh sáng chớp lòe của lưỡi gươm đưa ngang cổ, Mỵ Châu chỉ kịp kêu lên thảm thiết:

-Con không phản cha, con…

Tiếng kêu đứt đoạn vì đầu nàng Mỵ Châu đã lìa khỏi cổ, rơi xuống đất. Con ngựa cũng gục xuống cùng với thân mình nàng Mỵ Châu. Hai mắt con ngựa trung thành chảy ra hai dòng nước. Nó cũng ngừng thở. Nó nhìn An Dương Vương như oán trách.

Nước mất, nhà tan, gia đình không biết còn ai sống sót. Đứa con gái mà ông yêu thương nhất lại bị chính lưỡi gươm của ông giết chết một cách oan nghiệt. An Dương Vương không ngờ chỉ có hai ngày mà ông mất hết và chịu đến tận cùng đau khổ bi thương của một kiếp người. Ông hiểu con gái ông không phản ông mà nó chỉ muốn chỉ đường cho Trọng Thủy tìm được nó để vợ chồng xum họp. Ông quỳ xuống bên thi hài con gái, đầu đã lìa khỏi cổ, máu me đầm đìa. Chỉ có đôi mắt của nàng vẫn mở to trong sáng nhìn lên khoảng trời âm u như không hiểu vì sao một người vợ yêu chồng mà vẫn phải chết thảm thương. An Dương Vương vuốt mắt nàng và khóc:

-Con ơi, con không phản cha mà tội là ở cha. Nhà tan nước mất và cả cái chết của con là do cha. Cha đã đem con gã bán cho loài ngoại bang lang sói, đã quá tin vào tình thông gia, tình hữu hảo của hai nước, đã rước lang sói vào nhà, đã đặt việc nhà lên trên việc nước, đã không nghe lời can gián của những trung thần như Cao Lỗ, lại còn bức hại họ. Cha đã có tội với con, với muôn dân Âu Lạc, với những bậc trung thần, với Tổ tiên, với xã tắc, với các vua Hùng.

An Dương Vương định chôn cất cho Mỵ Châu nhưng vó ngựa của quân Nam Việt đã đến rất gần. An Dương Vương đứng dậy vuốt mắt cho con, vuốt mắt cho con ngựa trung thành rồi ông đi ra biển. Từ nơi biển cả, An Dương Vương nhìn lại đất nước Âu Lạc tươi đẹp lần cuối và ông đi ra xa, xa mãi và mất dần trong sóng biển đại dương mênh mông của biển miền Trung. Vùng mà công chúa Mỵ Châu và An Dương Vương ra đi có tên là Mộ Dạ, Diễn Châu thuộc Bộ Hoài Hoan, miền Trung Âu Lạc.

Trọng Thủy và đám tùy tùng của hắn theo dấu lông ngỗng tìm được đến nơi thì nàng Mỵ Châu đã đầu lìa khỏi cổ, thân mình đẫm máu bên cạnh con ngựa của An Dương Vương chết vì kiệt sức. Trọng Thủy xuống ngựa ôm lấy xác Mỵ Châu và ngất đi. Một canh giờ sau, Trọng Thủy tỉnh lại, nước mắt dàn dụa, miệng lảm nhảm:

-Phụ vương Triệu Vương lừa dối ta. Nàng đã chết vì ta. Phụ vương được Âu Lạc nhưng ta không còn Mỵ Châu. Phụ vương lừa dối ta.

Rồi Trọng Thủy ra lệnh khâm liệm Mỵ Châu và đưa về mai táng ở Cổ Loa. Vài hôm sau khi mai táng cho Mỵ Châu, Trọng Thủy nhảy xuống giếng ở Cổ Loa tự vẫn. Chính trị và chiến tranh thật là tàn bạo, kể cả con cái kẻ đầu sỏ gây chiến cũng trở thành nạn nhân thảm khốc.

Sau khi Cổ Loa thất thủ, Âu Lạc bị sáp nhập vào Nam Việt. Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân, cử quan Thái thú đến cai trị. Năm 111 trước công nguyên, triều đình Phiên Ngung và Nam Việt bị nhà Hán xâm chiếm. Âu Lạc bị nhà Hán, tiếp đó là các triều đại phong kiến Trung Quốc như Đông Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán thống trị, áp bức, bóc lột, đồng hóa hơn 1000 năm. Cho nên Cổ Loa thất thủ năm 179 trước công nguyên là mở đầu một thời kỳ bi thảm lâu dài trong lịch sử của người Lạc Việt và Âu Việt./.

Hà Nội tháng 2-2018

PGS TS Cao văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/-co-loa-thanh-that-thu--ky-10--het-82848