Cổ kính Lam Kinh

Khu di tích quốc gia đặc biệt (QGĐB) Lam Kinh nằm trong vùng đất (thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nổi danh địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược do người anh hùng Lê Lợi dựng cờ ở cuối thế kỷ XV, giành lại nền độc lập nước nhà, mà còn là nơi đặt lăng mộ của các vị vua và gia đình hoàng tộc thời Lê Sơ (1428-1527). Sau những biến thiên của lịch sử, của tạo hóa, nhiều lăng tẩm trong khu di tích QGĐB Lam Kinh bị đổ nát đã được trùng tu, phục hồi, tôn tạo trở thành địa điểm tham quan mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa ý nghĩa của xứ Thanh.

Cầu Bạch bắc qua sông Ngọc. Ảnh: Thanh Thuận

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Khu di tích QGĐB Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc. Sử sách còn ghi, sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng đã toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long), đặt tên nước là Đại Việt. Đồng thời, nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh (hay Tây Kinh, để phân biệt với Đông Kinh).

Sau này, Lam Kinh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 6 vị vua Lê, 2 bà hoàng thái hậu và công chúa Thụy Hoa. Qua nhiều cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã xác định: Lam Kinh hiện vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn, đầy đủ kiến trúc của chính điện, 9 tòa thái miếu, khẳng định nơi đây từng tồn tại một công trình kiến trúc bề thế, “độc nhất vô nhị” trong lịch sử.

Điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Lam Kinh là cầu Bạch được làm theo kiểu thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu) bắc trên sông Ngọc. Bước qua ngọ môn (cổng chính của thành), du khách thấy sân rồng (còn gọi là sân chầu) rộng gần 4.000m2. Bên phải sân rồng là cây đa thị (cây đa và cây thị cuốn chặt lấy nhau) hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể, vươn mình tỏa bóng mát. Bên trái là giếng Ngọc, có kích thước lớn với thành giếng bằng đá, quanh năm đầy nước. Hiện nay, giếng Ngọc được xem là giếng cổ lớn nhất Việt Nam. Đó chính là nét đẹp của không gian Việt “cây đa, giếng nước, sân đình”.

Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng, gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được chạm khắc tinh xảo, mang đặc trưng của rồng thời Lê. Phía sau điện Lam Kinh là khu thái miếu, chạy theo hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Các công trình kiến trúc khác là nhà tả vu và hữu vu hai bên sân rồng. Phía đông chính điện là khu ở của quan và quân lính khi xưa trông coi khu kinh thành. Hiện nay, các khu di tích này vẫn được phục dựng dựa trên những nền móng còn sót lại từ thời Hậu Lê.

Đến với khu di tích QGĐB Lam Kinh, không thể không đến khu lăng tẩm của các vua chúa thời Lê. Ở Lam Kinh có 8 khu lăng mộ và 8 bia. Chỉ có 6 lăng mộ và 6 bia còn lưu giữ được đến ngày nay. Trong đó, phải kể tới là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, cách quần thể thái miếu, chính điện 50m. Vĩnh Lăng được chọn đặt trên một thế đất rất đẹp.

Phía trước có minh đường rộng rãi là núi Chúa, phía sau tựa vào núi Dầu, hai bên tả (trái), hữu (phải) có hai dãy núi tạo thế “rồng chầu hổ phục”. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các linh vật đối nhau (gồm bốn cặp ngựa, nghê, tê giác, cọp) tạc bằng đá để trấn trạch. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng hơn 2m. Nói chung, Vĩnh Lăng được bài trí giản dị, gần gũi song rất tôn nghiêm và trang trọng, xứng tầm của đế vương.

Trong số 6 bia cổ tại Lam Kinh, có 3 bia được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bia Vĩnh Lăng là tiêu biểu nhất, điển hình cho kỹ thuật chế tác, điêu khắc, chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn súc tích, tóm tắt sự nghiệp và ca ngợi công đức của vua Lê Thái Tổ, do danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi phụng mệnh biên soạn. Đến nay, bia Vĩnh Lăng tuy có độ tuổi gần 600 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Vĩnh Lăng được đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Phát huy giá trị của di tích QGĐB Lam Kinh

Trải gần 6 thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử và biến thiên của tạo hóa, khu di tích QGĐB Lam Kinh không còn nguyên vẹn như xưa. Qua nhiều cuộc chiến tranh, Lam Kinh đã nhiều lần bị đốt phá. Nhiều lăng tẩm, di tích tại đây bị đổ nát. Cả một thời gian dài, di tích bị lãng quên... Sau khi đất nước hòa bình, Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích. Ngày 22-10-1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 609/TT phê duyệt dự án tổng thể khu di tích lịch sử Lam Kinh, tiến hành khảo cổ, khai quật và xây dựng lại khu di tích dựa trên những nền móng còn lại. Năm 2013, di tích Lam Kinh được công nhận là di tích QGĐB.

Bên cạnh đó, công tác tu bổ, tôn tạo di tích QGĐB Lam Kinh cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Ngoài kinh phí của Trung ương đầu tư cho Lam Kinh, tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích khang trang, thu hút khách hành hương thăm viếng. Nhằm phát huy giá trị di sản, Ban quản lý khu di tích QGĐB Lam Kinh cũng chủ động triển khai sưu tầm hiện vật trưng bày về các tri thức dân gian, truyền thuyết về nghĩa quân Lam Sơn, các nghề thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích QGĐB Lam Kinh đã nỗ lực giới thiệu khu di tích với công chúng cả nước và tuyên truyền trong nhân dân về ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích. Việc xâm hại, lấn chiếm di tích, hoạt động mê tín dị đoan tại Lam Kinh được ngăn chặn kịp thời. Nhờ đó, Lam Kinh ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Cũng tại khu di tích QGĐB Lam Kinh, vào ngày 22 tháng 8 (âm lịch) hàng năm, nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ và tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi và triều đại nhà Lê đã làm rạng danh non sông đất nước, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc.

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: Trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hóa; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn hát Chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên...

Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị truyền thống cũng như kết hợp hài hòa với các sinh hoạt văn hóa, thể thao hiện đại trong lễ hội Lam Kinh là dịp quảng bá sâu rộng với bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh, vị thế, tiềm năng, truyền thống lịch sử, văn hóa của di tích QGĐB Lam Kinh trong “bản đồ” du lịch của xứ Thanh.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-kinh-lam-kinh/