Cố khắc phục 'điểm yếu chiến lược', Trung Quốc vẫn khó thoát 'lưới' Australia

Chuyên gia McMahon nói với đài ABC's China, If You're Listening: 'Theo như những gì họ (Trung Quốc) lo ngại, họ có thể thấy rằng phụ thuộc vào quặng sắt của Australia là một điểm yếu chiến lược'.

Trung Quốc phải mất vài năm để bỏ được những trở ngại, nỗ lực mở rộng nguồn cung quặng sắt nhằm thay thế lượng hàng khổng lồ nhập từ Australia. (Nguồn: Getty)

Trung Quốc phải mất vài năm để bỏ được những trở ngại, nỗ lực mở rộng nguồn cung quặng sắt nhằm thay thế lượng hàng khổng lồ nhập từ Australia. (Nguồn: Getty)

Trong bài viết đăng ngày 15/6 trên trang ABC, nhà báo Matt Bevan nhận định, xét về khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế, có rất ít số liệu gần đây tốt hơn về kim ngạch xuất khẩu của Australia với Trung Quốc.

Theo tác giả bài báo, trái ngược với mọi kỳ vọng của Bắc Kinh, tổng giá trị xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc vẫn tăng trong quý đầu tiên của năm 2021 (chủ yếu là từ quặng sắt), bất chấp quyết định cấm nhập khẩu than, lúa mạch, tôm hùm, rượu vang và gỗ vào quốc gia châu Á từ xứ sở kangaroo.

Mặc dù đây là tin tốt đối với GDP của Australia, nhưng nó cũng cho thấy một sự thật rõ ràng về mối liên kết thương mại giữa hai nước - chủ yếu vẫn phục thuộc vào quặng sắt.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu quặng sắt tăng đột biến không thể bù đắp được những tổn thất từ việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng khác của Australia và làm suy yếu thông điệp mà Bắc Kinh dự định gửi đi.

Nhưng theo ông Dinny McMahon, một chuyên gia về hệ thống tài chính của Trung Quốc, điều này có thể không xảy ra lâu.

Ông McMahon nói với đài ABC's China, If You're Listening: "Theo như những gì họ (Trung Quốc) lo ngại, họ có thể thấy rằng phụ thuộc vào quặng sắt của Australia là một điểm yếu chiến lược.

Họ không thể nhìn thấy rõ những tác động từ lệnh hạn chế nhập khẩu để đưa ra kết luận hợp lý, bởi vì họ quá phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định từ Australia, họ chắc chắn nhận thức được điểm yếu của mình.

Và cuối cùng, đó không phải là một điều mà họ muốn, trong dài hạn".

‘Nỗi ám ảnh’ của Trung Quốc

Theo tác giả bài báo, từ năm 1949 tới nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như luôn bị ám ảnh bởi ngành công nghiệp sản xuất thép.

Vào đầu những năm 1970, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khi đó đã quyết tâm thúc đẩy Trung Quốc, một nền kinh tế vốn dựa vào nông nghiệp, gia nhập đội ngũ các quốc gia hàng đầu thế giới bằng cách trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất toàn cầu.

Cũng theo nhà báo Matt Bevan, các nhà lãnh đạo kế nhiệm Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tiếp nối quyết tâm đó và đạt được những thành công không nhỏ. Và tất nhiên, mục tiêu mà Trung Quốc đạt được lại chủ yếu là nhờ vào nguồn quặng sắt nhập khẩu từ Australia.

Trước đó, ngành công nghiệp khai thác quặng sắt của Canberra được phát triển để nhắm tới các nhà máy sản xuất thép của Nhật Bản. Nhưng vào những năm 1980, khi nhu cầu thép từ Trung Quốc tăng mạnh, ngành khai thác quặng sắt của Canberra đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, đáp ứng "cơn khát" khổng lồ từ Bắc Kinh.

Từ đó, nền kinh tế Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp sản xuất thép để xây mới các tòa nhà và kiến thiết cơ sở hạ tầng.

Ông Matt Bevan nhận định, rõ ràng, trong nhiều thập niên, việc xây dựng các thành phố mới, đường xá, đường sắt, cầu và đập… đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho GDP của quốc gia châu Á.

Cũng theo tác giả bài báo, nhu cầu liên tục thúc đẩy tăng trưởng GDP thông qua xây dựng cơ sở vật chất đã phần nào dẫn đến sự lãng phí không nhỏ. Các thành phố, sân bay, tòa nhà chung cư và đường cao tốc mọc lên nhưng hiệu quả sử dụng không như mong đợi. Và để có ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền các địa phương đã phải đi vay tiền.

Chuyên gia McMahon nói: “Cách đơn giản nhất để có thể kích thích tăng trưởng kinh tế là vay tiền và xây dựng một cái gì đó.

"Tuy nhiên, từ lâu, Bắc Kinh đã biết điều này là không bền vững, đó là lý do tại sao vào năm 2016, họ bắt đầu kiềm chế nợ công. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực sự phát triển những tầm nhìn mới về tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc".

Những thay đổi chiến lược

Sự thay đổi chiến lược nhanh chóng từ chính quyền Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích như Dinny McMahon thay đổi dự đoán về tương lai của nền kinh tế nước này.

Vào năm 2018, ông McMahon đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề China's Great Wall of Debt: Shadow Banks, Ghost Cities, Massive Loans and the End of the Chinese Miracle (tạm dịch ‘Vạn Lý Trường Thành nợ nần của Trung Quốc: Ngân hàng bóng tối, Thành phố ma, Các khoản vay khổng lồ và Sự kết thúc của phép màu’), trong đó dấy lên lo ngại về một "quả bom nợ" có thể phát nổ và gây thiệt hại thảm khốc cho kinh tế Trung Quốc.

Nhưng chỉ 3 năm sau, quan điểm của ông đã có chút thay đổi.

Ông nói: "Tôi nghĩ những gì họ đã làm trong vài năm qua trong hệ thống tài chính cho thấy khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hoặc nổ một ‘quả bom nợ’ không còn rõ ràng nữa. Sẽ không có cơ hội cho những điều đó xảy ra”.

Hiện tại, Trung Quốc không có khả năng cắt hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Australia. (Nguồn: Dwnews)

Chủ tịch Tập Cận Bình, cảnh giác với nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế, đã thực hiện những thay đổi đối với các ưu tiên kinh tế của Trung Quốc.

Chuyên gia McMahon nói: “Đó là việc phát triển các công ty sản xuất hàng hóa công nghệ cao”.

Đồng thời, theo ông, Bắc Kinh cũng đang tìm cách thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng nội địa tham gia vào nền kinh tế.

Ông McMahon nhận định: “Mục tiêu là thúc đẩy các hộ gia đình Trung Quốc tiêu dùng nội địa nhiều hơn. Những gì Trung Quốc đang cố gắng làm như cải cách hệ thống tài chính, cải cách thị trường vốn, cải cách nền kinh tế, đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển, là để trở thành một nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào quặng sắt.

"Nhưng như đã thấy khá rõ ràng từ năm ngoái, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bắc Kinh của hiện tại vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xây dựng và đầu tư".

Do đó, theo chuyên gia, rõ ràng là Trung Quốc không có khả năng cắt hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Australia.

Một thống kê khá thú vị cho thấy, hiện tại, 2/3 lượng quặng sắt xuất khẩu của thế giới là sang Trung Quốc và hầu hết trong số đó đến từ Australia.

Trung Quốc đỏ mắt tìm nguồn cung thay thế

Mặc dù miền Tây Australia là nơi có các mỏ quặng sắt lớn nhất trên thế giới, nhưng đây không phải là nơi duy nhất có thể tìm thấy thứ tài nguyên quý giá này.

Trong nhiều năm qua, vượt qua mọi khó khăn, các công ty khai thác quặng sắt trên thế giới đã mất nhiều công sức và tiền của để tìm kiếm, thăm dò các mở quặng sắt lớn ở Brazil.

Tuy nhiên, vào năm 2019, một sự cố lớn xảy ra khi các con đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt ở gần thành phố Belo Horizonte của Brazil bị vỡ, khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều ngôi làng bị phá hủy.

Các con đập này thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ khổng lồ Vale. Sự cố đã khiến việc phát triển các dự án khai thác quặng ở Brazil càng chậm hơn. Nguồn quặng sắt xuất khẩu của Brazil theo đó cũng giảm đáng kể.

Trong khi đó, với mục tiêu mở rộng nguồn cung quặng sắt, Trung Quốc đang hướng đến châu Phi - đặc biệt là quốc gia Tây Phi như Guinea với những mỏ quặng tiềm năng. Nhưng tất nhiên, lượng quặng ở đây cũng như sự phát triển về hạ tầng ở nơi này còn kém xa cả Brazil.

Các mỏ quặng sắt này nằm cách bờ biển 650 km, không có cảng hay đường sắt khiến việc vận chuyển gặp muôn vàn khó khăn.

Tất nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng là một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi bỏ qua tất cả những trở ngại của Guinea và Brazil, thì việc phát triển các nguồn cung này với hy vọng có thể thay thế sản lượng quặng sắt khổng lồ nhập từ Australia cũng sẽ phải mất tới vài năm.

Và hiện tại, mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc vẫn khá bền chặt mà như người ta thường nói là phụ thuộc lẫn nhau.

(theo ABC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-khac-phuc-diem-yeu-chien-luoc-trung-quoc-van-kho-thoat-luoi-australia-148525.html