Cơ hội xác lập và gửi gắm niềm tin

Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện 'nhiệm vụ kép' vừa chống dịch Covid-19, vừa gấp rút tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đợt cuối trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để các ứng cử viên vận động tranh cử; còn các cử tri có cơ hội hiểu rõ hơn về đại biểu tương lai của mình để sáng suốt lựa chọn, quyết định bằng lá phiếu dân chủ.

Hội nghị tiếp xúc cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Hội nghị tiếp xúc cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa gấp rút tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đợt cuối trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để các ứng cử viên vận động tranh cử; còn các cử tri có cơ hội hiểu rõ hơn về đại biểu tương lai của mình để sáng suốt lựa chọn, quyết định bằng lá phiếu dân chủ.

Tại TP Hồ Chí Minh, áp dụng các biện pháp phòng dịch, những ngày này, 15 nữ ứng cử viên ĐBQH và 60 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang tích cực cùng các ứng cử viên khác tiến hành nhiều hoạt động vận động bầu cử. Nhìn vào chương trình hành động của nhiều nữ ứng cử viên có thể nhận thấy quyết tâm mạnh mẽ đi đôi với chuyên môn vững vàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Võ Thị Trung Trinh, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố, hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, phụ trách công tác cải cách hành chính cho biết, với vị trí công tác hiện nay và sự hiểu biết của mình, nếu trúng cử, sẽ tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh… để người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích. Bà Trinh cũng công khai số điện thoại, hộp thư điện tử cá nhân để cử tri tiện liên lạc, phản ánh.

Vừa lo sản xuất, kinh doanh vừa để bảo đảm phòng, chống dịch, cho nên nhiều cử tri tuy không đến tham dự trực tiếp nhưng vẫn dành thời gian theo dõi trực tuyến hội nghị tiếp xúc cử tri. ThS Nguyễn Đắc Tới, Giám đốc Công ty TNHH Khương Vũ (cử tri quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ: "Nhìn vào phong thái tự tin, đĩnh đạc, trình bày ngắn gọn, mạch lạc chương trình hành động đủ thấy các ứng cử viên trong danh sách bầu cử chính thức lần này, ở tất cả các cấp đều đã được hiệp thương, lựa chọn kỹ lưỡng. Hy vọng rằng, ngoài trình độ, đủ tâm, đủ tầm, các ứng cử viên trúng cử khóa tới sẽ là những đại biểu thật sự của nhân dân, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri. Góp phần đưa đất nước đột phá về mọi mặt, nhất là phát triển kinh tế".

Ở góc nhìn chuyên gia, theo dõi các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, TS Phạm Huỳnh Công (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, nhìn chung chương trình hành động của các ứng cử viên rất bài bản, nhưng một số còn thiếu những chi tiết sống động, bám sát thực tiễn. "Rất nhiều ứng cử viên nói, chúng tôi sẽ phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới cơ quan có trách nhiệm..., nhưng kết quả phản ánh ấy đến đâu, phải giải quyết ra sao để trả lời thỏa đáng thì chưa thật rõ ràng, thấu đáo. Thực tế cho thấy, ở các nhiệm kỳ trước, kiến nghị, khiếu nại của cử tri đều được các đoàn đại biểu tiếp nhận và không ít trường hợp trả lời bằng văn bản theo kiểu: Chúng tôi đã chuyển ý kiến của ông, bà đến... Ông, bà chờ kết quả giải quyết?! Vấn đề là, kết quả giải quyết đến đâu, thì vẫn chưa thật sự được giám sát đến cùng. Thiết nghĩ, vấn đề này nhiệm kỳ tới cần quy định rõ hơn trong luật" - vị luật gia này dẫn chứng, phân tích.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên là một thủ tục bắt buộc được quy định trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Đây không chỉ là quyền và nghĩa vụ của mỗi ứng cử viên, mà qua đó còn tạo điều kiện để các vị "đại biểu tương lai" gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri, đồng thời "cọ xát" thực tế để hoàn thiện hơn chương trình hành động sau khi trúng cử. Tiếp xúc cử tri cũng là dịp để cử tri biết rõ về người mà họ sẽ gửi gắm niềm tin đại diện xứng đáng tiếng nói cho họ. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt việc này, nhưng cũng có một số nơi còn những hạn chế. Một số ý kiến cho rằng, hoạt động tiếp xúc cử tri đôi khi còn mang tính hình thức, không ít ứng cử viên lên diễn đàn đọc trơn tru những gì đã viết thành văn bản, giải thích, trả lời chung chung trước những ý kiến phản biện của cử tri. Hoặc như, do điều kiện về hội trường, không gian hạn hẹp, nên thành phần, số lượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc còn chưa được đông, chưa đa dạng về thành phần, độ tuổi; có hội nghị còn nặng tính nghi lễ, nghiêm trang, không được sôi động… Như vậy đã phần nào hạn chế sự gần gũi trong tiếp xúc giữa các ứng cử viên và cử tri. Do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trên diện rộng, nên hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Vì thế, việc linh hoạt thay đổi phương thức tổ chức, đặc biệt là hình thức hội nghị trực tuyến, thông qua các cơ quan truyền thông, mạng xã hội để đưa thông tin, chương trình hành động đến với cử tri là rất cần thiết.

Pa-nô, áp-phích tuyên truyền về Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được trang trí ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: QUANG THÁI

Ngày bầu cử (23-5) đang đến gần, cử tri và nhân dân cả nước trông đợi công tác bầu cử sẽ được hoàn tất bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền lợi chính trị cao quý của mình, dùng lá phiếu để tham gia việc hoạch định con đường phát triển của đất nước.

KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/co-hoi-xac-lap-va-gui-gam-niem-tin-646174/