Cơ hội vàng để xuất khẩu

Mặc dù dịch bệnh khó khăn, song nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn tìm được nhiều cơ hội xuất khẩu. Ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán 2021, các DN đã xuất nhiều lô hàng đi nhiều nước.

Container đầu tiên thông quan cảng Tân Cảng - Cát Lái đêm 30 Tết ảnh: T.C

Container đầu tiên thông quan cảng Tân Cảng - Cát Lái đêm 30 Tết ảnh: T.C

Trong thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới 2021, tại cảng Tân Cảng - Cát Lái (TP Thủ Đức), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã phát lệnh thông quan lô hàng hóa đầu năm. Chỉ riêng tối 30 Tết (ngày 11/2), cảng đã đón 6 tàu. Những container hàng đầu tiên của năm Tân Sửu bao gồm vải sợi, hàng may mặc, các sản phẩm từ cao su, gỗ, linh kiện điện tử... đã được xếp lên tàu Lydia của hãng tàu OOCL đi Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong dịp Tết, tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, mỗi ca sản xuất có hơn 850 người lao động trực tiếp quản lý, điều hành, phục vụ bảo đảm công việc được thông suốt. Trong những ngày nghỉ Tết, trung bình cảng đón 12 chuyến tàu/ngày, với sản lượng hơn 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 34,25% so với Tết 2020).

Cũng nhộn nhịp với những đơn hàng xuất khẩu ngay từ mùng 6 Tết, Công ty Vina T&T Group đưa nhiều loại nông sản sang các thị trường khó tính. “Chúng tôi đã đưa 40.000 trái dừa đi Mỹ, Hàn Quốc; 20 tấn xoài đi Úc; 3 tấn chôm chôm đi Mỹ, 50 tấn thanh long vào Mỹ, Canada… Để chuẩn bị xuất lô hàng đầu năm này, công nhân đã đi làm trở lại từ mùng 2 Tết” - ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T nói và cho biết thêm, dịch bệnh COVID-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội với công ty. Năm 2021, doanh nghiệp này đề ra kế hoạch tăng trưởng từ 15-20% so với năm 2020 và chinh phục thêm nhiều thị trường mới.

Thời điểm này, nhân viên Công ty Duy Anh Foods (H.Củ Chi, TPHCM) cũng đang xếp hàng lên container cho đối tác ở Nhật, Hàn Quốc… Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh Foods chia sẻ: “Công ty đã kín đơn hàng xuất khẩu đến cuối quý 2/2021. Nhiều đối tác mới ở Ukraine, Israel, Bờ Biển Ngà… cũng đặt hàng. Trong năm 2020, chúng tôi đã xuất khẩu hơn 300.000 tấn sản phẩm bánh tráng thanh long, bún dưa hấu và nhiều mặt hàng khác đến Nhật, Hàn, châu Âu. Thời gian tới, dịch bệnh còn phức tạp, nhu cầu về lương thực thực phẩm của các nước vẫn rất sôi động, nhất là thực phẩm có thời gian sử dụng lâu sẽ càng lợi thế”.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư liên kết thương mại toàn cầu MEET MORE cho hay, công ty sẽ xuất khẩu 3 container cà phê trái cây, cà phê lon sang thị trường Mỹ, Nga và Ấn Độ. “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2021, sau Tết tập trung vào 4 sản phẩm mới, chủ yếu nông sản, trong đó có cà phê đậu xanh” - ông Luận chia sẻ.

Lạc quan

Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhộn nhịp làm hàng xuất khẩu. Đại diện Công ty CP Đồng Tiến cho biết, đã có đơn hàng đến hết quý I/2021. Từ cuối năm 2020, Đồng Tiến hồi phục trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu may mặc; nhận được nhiều đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy tính… cũng nhận được đơn hàng đến quý II/2021…

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, năm 2021 là cơ hội nếu biết tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu); UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh); RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực)… “Đây là thời gian “vàng” các hiệp định thương mại mang lại, giúp hàng Việt vào nhanh và sâu tại thị trường các nước đối tác” - ông Trần Bình, đại diện Công ty may mặc Bình Giang nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời vẫn cung cấp nguyên liệu cho nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản… đang đẩy mạnh đặt hàng Việt Nam, cùng với đó, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa.

Dự báo một năm lạc quan trở lại cho ngành dệt may Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, năm nay ngành dệt may sẽ tăng trưởng trở lại với kim ngạch xuất khẩu 38-39 tỷ USD hoặc có thể cao hơn. Sau khi Việt Nam có các hiệp định thương mại mới thì hoạt động xuất khẩu đã được hưởng lợi. “Khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều nước có tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may cạnh tranh với Việt Nam đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, cùng với những điều kiện khác nên tình hình xuất khẩu của ngành dệt may sẽ khả quan hơn trong năm mới” - ông Hồng nói.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-hoi-vang-de-xuat-khau-1795067.tpo