'Cơ hội vàng' để giải quyết xung đột tại Hội nghị thượng định G20

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra được xem là 'cơ hội vàng' để giải quyết các cuộc xung đột đang hết sức nóng bỏng hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 30/11 đến 1/12 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Dự kiến, nhiều cuộc gặp quan trọng giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được “kiến tạo” bên lề hội nghị lần này.

Trước thềm hội nghị G20, các nước thành viên vẫn đang căng thẳng thảo luận để có thể đạt được một thỏa thuận trong các vấn đề then chốt như thương mại, di cư và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sự “thờ ơ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với vấn đề Trái Đất nóng lên cũng khiến cho dư luận e ngại về khả năng các nền kinh tế thành viên đạt được sự đồng thuận trong văn kiện cuối cùng của hội nghị.

Một quan chức giấu tên cho biết, sau hơn 2 ngày đàm phán gần như liên tục, vẫn còn nhiều tranh cãi về các vấn đề liên quan và đến nay các bên mới chỉ thống nhất được gần 2/3 số nội dung của tuyên bố chung. Các vấn đề vẫn đang còn bỏ ngỏ và chưa đạt được sự đồng thuận bao gồm thương mại, khí hậu, di cư, người tị nạn và chủ nghĩa đa phương.

Trong bối cảnh đó, mặc dù còn một số chủ đề cơ bản khác được nước chủ nhà Argentina đề xuất và các nền kinh tế thành viên G20 thống nhất thảo luận tại hội nghị lần này như tương lai của việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển hay tương lai của lương thực bền vững, song giới quan sát đều cho rằng những vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu và một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề “nóng” trong 2 ngày diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires.

Một trong những cuộc gặp vừa có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và kinh tế quan trọng hàng đầu đang được cả thế giới “trông ngóng” và “mong đợi” chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra trong ngày 1/11.

Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, những người đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại “tương tàn” từ nhiều tháng qua, sẽ cố gắng “bắt tay” nhau nhằm xoa dịu bớt tình hình căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Larry Kudlow, cố vấn chính của Tổng thống Donald Trump, cho biết rằng cách đây vài ngày, chính quyền Washington vẫn còn đe dọa áp thuế lên trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì nay sẽ có "cơ hội tốt" để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh.

Trong khi đó, ông Francisco de Santibanes, chuyên gia quan hệ quốc tế và thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế Argentina (CARI), cũng nhận định rằng cuộc đối thoại giữa hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump dịp G20 lần này còn quan trọng hơn cả tuyên bố cuối cùng của hội nghị.

Cuộc gặp được “mong đợi” không kém phần quan trọng nữa là giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, vào cuối ngày 29/11, ông Trump đã quyết định hủy bỏ cuộc gặp gỡ với ông Putin sau vụ việc vũ trang ở Biển Azov giữa Ukraine và Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cuộc gặp cấp cao khác bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cũng được trông đợi, đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước tình hình quan hệ Pháp - Mỹ đã xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây, ông Macron có thể tận dụng lợi thế của G20 để “chất vấn” về chính sách thương mại có tính áp đặt của ông Trump.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cảnh báo khi cho rằng toan tính này của ông Macron sẽ không thể giải quyết được vấn đề mấu chốt hiện nay giữa Mỹ và châu Âu khi mà các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đến G20 đã suy yếu và bị mất tín nhiệm nghiêm trọng ở chính quốc gia mình.

Bên lề hội nghị G20 cũng sẽ có một cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo của hai nước sẽ nhân cơ hội này để thúc đẩy hồ sơ liên doanh giữa các hãng sản xuất ô tô lớn của mình Renault - Nissan - Mitsubishi Motors.

Cuối cùng, cũng có thể sẽ có các cuộc gặp giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MBS) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vốn bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul tháng trước nên sẽ cần tìm cách để xoa dịu tình hình, đồng thời thảo luận về tình hình Yemen, nơi Saudi Arabia đã lãnh đạo một liên minh Arab từ năm 2015 chống lại phiến quân Houthi.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng cho biết "sẵn sàng gặp" Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ở Buenos Aires, để thảo luận về cuộc chiến ở Yemen vốn cướp đi mạng sống của khoảng 10 nghìn người trong 3 năm qua.

Toàn Trí – Hoài Nam/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-co-hoi-vang-de-giai-quyet-xung-dot-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-g20/104206.html