Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong căng thẳng thương mại toàn cầu

Đây là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Diễn đàn thương mại Việt Nam -Hoa Kỳ 2019 do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 6/9.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Huế

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Huế

Phát biểu tại diễn đàn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải cho rằng, những căng thẳng diễn ra trong hệ thống thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây đã đặt thách thức với Việt Nam. Đó là, trong khi Việt Nam đang nỗ lực thực thi các chính sách để hướng đến mối quan hệ kinh tế, thương mại cân bằng và bền vững với các đối tác thì sự dịch chuyển mạnh của chuỗi cung ứng toàn cầu trong khoảng thời gian ngắn đang làm hạn chế phần nào hiệu quả của những nỗ lực này.

Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) của Việt Nam hiện nay là sự hiểu biết còn hạn chế về hệ thống pháp luật các cấp của Hoa Kỳ, xu hướng về tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm nông – lâm – thủy sản… Hơn nữa, cơ cấu sản phẩm XK của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển đổi, chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, chưa có nhiều sản phẩm tiêu dùng cao cấp trong cơ cấu XK của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này.

Bên cạnh các thách thức nêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải, xung đột thương mại toàn cầu đã buộc các tập đoàn quốc tế lớn trong đó có các tập đoàn của Hoa Kỳ phải xem xét lại chiến lược nguồn cung của mình. Vì vậy, nhiều quốc gia có năng lực cung ứng tốt có cơ hội tự nhiên để mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.

Nhận định về cơ hội từ chiến tranh thương mại đang diễn ra, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam cho rằng, các DN sẽ có cơ hội đa dạng hóa nguồn cung. Chiến tranh thương mại đang tạo ra thách thức toàn cầu buộc lãnh đạo các nước phải đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này trong đó có các giải pháp để cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường của Mỹ. Bên cạnh đó, các DN thay đổi cũng phải có chính sách tiếp cận thị trường Mỹ trong ngắn hạn và dài hạn. Hiện nay các DN Mỹ tìm kiếm nguồn cung nhiều hơn ở Việt Nam để bù lại sự thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc. Với tác động của chiến tranh thương mại, quy trình sản xuất, chuỗi sản xuất trên thế giới bị ảnh hưởng nặng và có thể chuyển dịch sang Việt Nam.

Theo ông Trương Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh xung đột thương mại nhưng hiện nay, một nước thứ 3 như Việt Nam sẽ có nhiều tác động. Trong đó Việt Nam có thể khai tác lỗ hổng thương mại, khai thác dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, cùng với đó, các vấn đề mà các nước thứ 3 như Việt Nam phải đối đầu là suy giảm toàn cầu, dịch chuyển chuỗi và nguy cơ bất ổn vĩ mô.

Liên quan đến lỗ hổng thương mại ông Thắng cho biết, khi một sản phẩm bị áp thuế trừng phạt, nếu thị phần sản phẩm đó trên thị trường càng cao thì tạo ra lỗ hổng càng lớn. Tuy nhiên, để có thể khai thác được lỗ hổng thương mại tại thị trường Mỹ còn tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Hiện tại, chỉ có một số mặt hàng có thể khai thác được lỗ hổng này như thực phẩm chế biến từ thịt, động vật giáp xác, cá, rau, củ. Ngay cả ngành dệt may cũng chỉ có một số mặt hàng có thể tận dụng được như hàng dệt kim, vải thêu ren, vải chần sợi… Qua theo dõi động thái của Trung Quốc từ khi xảy ra chiến tranh thương mại có thể thấy các nhà XK Trung Quốc vẫn giữ giá XK và chấp nhận giảm cầu do đó lỗ hổng thương mại của hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ là tương đối lớn, mặc dù vậy Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều nước có lợi thế hơn để có thể khai thác các lỗ hổng này

Về thu hút FDI, ông Thắng cho rằng, trong 20 năm qua các chuỗi sản xuất đã gắn kết ở Trung Quốc rất nhiều nên từ kỳ vọng đến thực tế dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam là có khoảng cách. Thực tế cũng cho thấy, tuy dòng vốn đăng ký vào Việt Nam đang tăng nhanh nhưng vốn thực hiện không tăng nhiều

Do vậy, tuy cơ hội dịch chuyển đầu tư là tương đối rõ ràng nhưng để biến thành hiện thực thì cần có thời gian.

Bên cạnh các tác động tích cực nêu trên, Việt Nam đang phải đối mặt với việc tăng thâm hụt thương mại với thị trường Mỹ. Có thể nói rằng tác động của chiến tranh thương mại cơ bản là tiêu cực, hầu hết các nước đều sẽ phải chịu thiệt hại. Các lỗ hổng thương mại sẽ nhanh chóng được bù đắp từ các nguồn cung khác nhưng thiệt hại sẽ kéo dài và lan tỏa dần trong chuỗi sản xuất. “Đối với Việt Nam bên cạnh sức ép về phá giá còn phải chịu tác tác động tiêu cực trong hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc và cạnh tranh từ các nước ASEAN trong chuỗi sản xuất và các tác động bất lợi này sẽ mạnh hơn trong và năm tới”, ông Thắng dự báo.

Từ góc độ DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, ngành dệt may đang phải hứng chịu rủi ro từ chiến tranh thương mại từ tháng 9/2018 đến nay, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất sợi do XK sợi vào Trung Quốc giảm sâu do sức mua của các nhà sản xuất sợi tại Trung Quốc giảm. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại cũng đang tạo sức ép cho phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Các DN dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng XK …

“Tác động bất lợi của chiến tranh thương mại đã ngày thể hiện rõ. Điển hình như hoạt động XK trong 6 tháng đầu năm đã có sụt giảm khá mạnh tại nhiều thị trường. Chiến tranh thương mại dự báo sẽ còn kéo dài do vậy các DN phải tính toán và có chiến lược dài hạn để tránh rủi ro”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ, Bộ Công Thương khuyến cáo.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cua-viet-nam-trong-cang-thang-thuong-mai-toan-cau-111127.html