Cơ hội và thách thức của ngành gỗ xuất khẩu

Tháng 10 vừa qua, Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) đã được ký. Ðây là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Cùng với nhiều cơ hội, Hiệp định cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam…

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Woodsland Tuyên Quang.

Mở ra cơ hội lớn

Nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với quy định của EU nhằm xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Ðổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép theo quy định sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU.

Hiệp định mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nhất là khi các thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam như Mỹ ngày càng thắt chặt thực thi Luật Lacey nhằm cấm mua bán lâm sản bất hợp pháp; Nhật Bản áp dụng Luật Gỗ sạch; Hàn Quốc ban hành Luật Sử dụng gỗ bền vững... Hiệp định cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng gỗ sạch, minh bạch, hợp pháp đi vào các thị trường khác; giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và trao đổi thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Ðánh giá về tác động của Hiệp định VPA/FLEGT, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là cơ hội mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế. Cụ thể là nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang các nước ngoài EU như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và các thị trường khác, góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12 đến 13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ tư thế giới. Tuy nhiên, cùng với đó, những khó khăn và thách thức đặt ra không nhỏ cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Ðòi hỏi nỗ lực chung

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu hiện nay là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Những tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2017. Về nhập khẩu, trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Cam-pu-chia, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Chi-lê, Ðức, Bra-xin, Pháp và Niu Di-lân, chiếm 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu.

Phó Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp Phạm Văn Ðiển cho biết, khi thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, đòi hỏi nỗ lực chung của cả cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, doanh nghiệp và chủ rừng. Một mặt phải kiểm soát tốt nguồn gốc gỗ nhập khẩu, mặt khác tuân thủ các điều kiện minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Có một số vấn đề quan trọng mà cả cơ chế chính sách và các doanh nghiệp cần thực hiện khi muốn xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU. Ðó là, các cam kết trong Hiệp định đặt ra yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật. Hiệp định yêu cầu người dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung phải thực hiện đầy đủ việc tự kê khai, tự đánh giá, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Ðồng thời, Hiệp định yêu cầu bảo đảm sự đối thoại cấp cao thường xuyên giữa Việt Nam và EU với sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, tổ chức phi chính phủ trong nước trong quá trình giám sát thực hiện để Hiệp định được thực hiện một cách minh bạch. Do đó, Chính phủ cần sớm xây dựng một nghị định để thể chế hóa các cam kết chính của Hiệp định, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát gỗ nhập khẩu hợp pháp và xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam; nâng cao năng lực cho các bên liên quan để thực thi hiệu quả Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho cộng đồng các doanh nghiệp và các hộ trồng rừng để chủ động tuân thủ các cam kết. Các cơ quan có trách nhiệm cũng sớm xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu như phần mềm phân loại doanh nghiệp, cấp phép FLEGT để phục vụ việc thực hiện hiệu quả Hiệp định.

Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2019. Ðể thực hiện cam kết, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, trong đó việc kiểm soát gỗ nhập khẩu hợp pháp và xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, người dân và doanh nghiệp phải tham gia trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Người trồng rừng cần có chứng chỉ thể hiện nguồn gỗ đó minh bạch, hợp pháp. Các doanh nghiệp cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình hiện có để có được nguồn gốc gỗ đầu vào hợp pháp; tự đánh giá năng lực của doanh nghiệp có phù hợp với các tiêu chí để được xếp vào danh mục doanh nghiệp minh bạch theo quy định...

Nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến Hiệp định VPA/FLEGT, mới đây Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Cam-pu-chia. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 đến hết 31-12-2023 và thay thế Thông tư số 37/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Cam-pu-chia.

Bài và ảnh: Quỳnh Minh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38375702-co-hoi-va-thach-thuc-cua-nganh-go-xuat-khau.html