Cơ hội từ những nhà máy cũ

Không chỉ kêu gọi, huy động sự tham gia của người dân để đô thị của mình trở nên đáng sống hơn, Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG) hướng đến cái đích lớn hơn là 'giành' lấy những không gian công cộng/không gian sáng tạo cho cộng đồng. Họ muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng và của cơ quan quản lý các đô thị, rằng, chuyển đổi các nhà máy, xí nghiệp thành không gian sáng tạo, không chỉ đem lại giá trị văn hóa, mà còn đem lại giá trị kinh tế bền vững. Chủ tịch PPWG Lê Quang Bình (ảnh nhỏ) đã chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này.

Complex 01 ở phố Tây Sơn (Hà Nội) là không gian sáng tạo hình thành trên nền nhà máy cũ.

Complex 01 ở phố Tây Sơn (Hà Nội) là không gian sáng tạo hình thành trên nền nhà máy cũ.

Không chỉ kêu gọi, huy động sự tham gia của người dân để đô thị của mình trở nên đáng sống hơn, Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG) hướng đến cái đích lớn hơn là “giành” lấy những không gian công cộng/không gian sáng tạo cho cộng đồng. Họ muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng và của cơ quan quản lý các đô thị, rằng, chuyển đổi các nhà máy, xí nghiệp thành không gian sáng tạo, không chỉ đem lại giá trị văn hóa, mà còn đem lại giá trị kinh tế bền vững. Chủ tịch PPWG Lê Quang Bình (ảnh nhỏ) đã chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này.

Không chỉ là vấn đề văn hóa

- Được biết PPWG vừa thực hiện khảo sát về thực trạng những nhà máy, xí nghiệp thuộc diện phải di dời trên địa bàn TP Hà Nội. Anh có thể chia sẻ những ghi nhận về hành trình đó?

- Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên nếu tôi nói rằng Hà Nội có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp có kiến trúc rất đẹp. Kể cả những dây chuyền máy móc trong đó cũng… rất thú vị. Dây chuyền của Nhà máy Bia Hà Nội cho tôi cảm giác về một dàn nhạc giao hưởng. Rất nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội được xây dựng trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhiều nhà máy được hỗ trợ xây dựng bởi các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Khi tôi hỏi đại diện các cơ quan chủ quản thì được biết, khi xây dựng, những nước giúp đỡ Việt Nam đã xây dựng theo kiến trúc, thiết kế thuộc diện đẹp nhất của họ thời bấy giờ. Có hai lý do khiến chúng ta chưa được biết đến: Thứ nhất, người làm việc trong các nhà máy xí nghiệp đó đã quá quen thuộc nên không nhận ra đó là những cái rất thú vị; thứ hai, những người bình thường rất ít có cơ hội được tiếp cận các khu vực này.

Cảm nhận tiếp theo là khá lo lắng. Nhiều cơ quan ngại tiếp xúc với chúng tôi. Và đáng lo nhất là các địa chỉ này đều có nguy cơ bị biến thành những chung cư, cao ốc. Hà Nội đã quá tải. Nếu bị chất thêm các khối nhà cao tầng thì không hiểu chúng ta sẽ sống trong môi trường thế nào. Đấy là lý do chúng tôi tiến hành khảo sát, để từ đó có đề xuất các giải pháp chuyển đổi làm sao để đem lại lợi ích cho cộng đồng.

- Các nhà máy, xí nghiệp đều thuộc quyền quản lý của những chủ sở hữu. Hay nói đúng hơn là quyền quyết định các khu vực này nằm trong tay các chủ sở hữu. Một nhóm làm việc nhỏ liệu có thể tác động như thế nào?

- Đúng thế. Chúng ta không có quyền can thiệp. Trả lời câu hỏi này, tôi phải trở về vấn đề thành lập ra Nhóm.

Chúng ta đều yêu Hà Nội. Chúng ta đều mong muốn tạo nên một thành phố đáng sống. Một thành phố đáng sống không thể không có không gian công cộng cho người dân. Bây giờ, các không gian công cộng của Hà Nội còn lại quá ít. Việc di dời các nhà máy khỏi nội đô là cơ hội cực kỳ hiếm hoi để Hà Nội có thể tạo nên các không gian mới. Thực tế, 31 nhà máy, xí nghiệp đã được chuyển đổi, thì hầu như không có không gian công cộng nào được xây dựng trên nền đó. Đập đi và xây một chung cư mới là việc làm quá dễ. Tác hại thì ai cũng rõ rồi.

Các nhà máy, xí nghiệp là một phần của lịch sử. Không chỉ Hà Nội mà cả những tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Nam Định… Chúng có giá trị kiến trúc độc đáo, là những di sản công nghiệp, đại diện cho một giai đoạn lịch sử. Điều chúng tôi muốn là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng; góp tiếng nói với lãnh đạo các đô thị. Khi cả cộng đồng mong muốn, hẳn điều ấy sẽ tác động đến chính sách của chính quyền thành phố, đến suy nghĩ của các nhà đầu tư.

Khi chúng tôi triển khai dự án của mình, thì tình cờ đúng vào giai đoạn TP Hà Nội triển khai Thành phố sáng tạo. Trong đó, có vấn đề kiến tạo những không gian sáng tạo từ các nhà máy, xí nghiệp cũ. Điều này rất trùng hợp với hoạt động của Nhóm. Bởi vậy, chúng tôi tham gia các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, vận động… chuyển đổi các nhà máy, xí nghiệp thành các không gian công cộng/không gian sáng tạo.

- Nhưng chuyển đổi sẽ liên quan bài toán kinh tế. Các doanh nghiệp sở hữu “đất vàng” đều cần tiền để xây dựng nhà máy mới, tái đầu tư…

- Điều đó là tất nhiên. Nhưng chúng ta đang hướng đến xây dựng một thành phố bền vững. Những ai từng đi nước ngoài đều thấy vô vàn thí dụ về việc chuyển đổi công năng các nhà máy, xí nghiệp cũ thành những không gian văn hóa. Những không gian ấy vừa mang lại bản sắc văn hóa cho đô thị, đồng thời, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho chủ sở hữu. Thậm chí giá trị kinh tế là rất lớn. Thử tưởng tượng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được chuyển đổi thành bảo tàng mở, tại đó, có các tổ hợp văn hóa, vui chơi, giải trí, các hoạt động sáng tạo, hay có thể nghĩ xa hơn nữa là có những tuyến tàu chạy từ nội đô đi qua cầu sang đây phục vụ khách… Tôi nghĩ rằng, khi vào tay các nhà thiết kế, nó sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho Hà Nội, thu hút khách trong và ngoài nước. Một thương hiệu xứng tầm, có kết nối quá khứ với tương lai. Ở đó, chúng ta học thế giới cách thức tổ chức, còn chất liệu tạo nên sản phẩm là của chúng ta. Thực tế chúng ta đã có những không gian như thế ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, tuy quy mô chưa lớn. Gần đây Complex 01 ở phố Tây Sơn cũng là một không gian sáng tạo hình thành trên một nhà máy cũ.

Đây là lý do chúng tôi muốn truyền đi thông điệp: Tái tạo những không gian cũ không chỉ là vấn đề văn hóa. Vẫn còn những lựa chọn khác để làm kinh tế thay vì xây chung cư. Tái tạo thành không gian sáng tạo thật sự còn là một phương pháp kinh doanh. Tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp quan tâm đến khía cạnh này. Tất nhiên, để làm được, thì vấn đề còn phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của chính quyền.

Đi bộ, để hiểu thêm thành phố

- Vậy anh có thể cho biết Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân đã có những bước đi cụ thể thế nào?

- Chúng tôi mong muốn tạo lập một không gian chung nối mọi người với nhau, truyền thông điệp để mọi người hiểu rõ giá trị của những không gian công cộng hay không gian sáng tạo. Thí dụ mọi người có thể thấy không gian đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm là không gian hữu ích. Nhưng không phải ai cũng biết được câu chuyện phía sau đó. Một nhóm bạn trẻ tập hợp nhảy trên phố đi bộ chẳng hạn. Câu chuyện không phải ở buổi nhảy. Trước đó họ phải dành thời gian tập luyện, tương tác, kết nối. Các bạn ấy đang tham gia vào những giá trị văn hóa, đem lại giá trị văn hóa. Khi hiểu sâu như thế người ta sẽ trân trọng hơn, thấy cần thiết phải có không gian như thế hơn. Ngoài truyền thông, chúng tôi có những hoạt động khác. Với chúng tôi, ai cũng có thể làm gì đó có ích, vì thành phố của mình, kể cả khi anh ta… không có gì. Chẳng hạn, nếu không có gì, ít nhất bạn có thể… đi bộ. Đi bộ sẽ có thời gian ngắm phố và gắn bó nó hơn. Đấy là một thông điệp đơn giản nhất.

Chúng tôi cũng thiết kế những clip về việc chạy qua những không gian công cộng khác nhau của Hà Nội như cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ, công viên, đường tàu… với thông điệp: không gian công cộng cần để kết nối văn hóa, lưu trữ ký ức và lịch sử, để con người kết nối với nhau và với thiên nhiên. Gần đây, chúng tôi tổ chức cuộc thi tìm kiếm cây xanh. Chúng tôi đánh số trên bản đồ những cây cần tìm quanh hồ Hoàn Kiếm, mọi người phải đi bộ, tìm kiếm, chụp hình mình với cây đó báo lại. Khi đi tìm cây xanh như vậy, người ta sẽ hiểu thêm thành phố… Hay một hoạt động khác là kết hợp với Nhóm Dân ảnh cấp 3 khóa 91 - 94 toàn Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Vì một Hà Nội đáng sống” để mời gọi mọi người cùng tụ lại, kết nối để cùng làm nhiều việc hơn nữa cho Hà Nội, vì Hà Nội…

- Anh có nghĩ các cách làm đó có thể nhân rộng ra ở các địa phương?

- Điều người dân Hà Nội cần cũng là điều người dân các thành phố khác cần. Tôi nghĩ, các tổ chức, các nhóm có thể tham khảo cách làm việc khác nhau để chọn ra phương thức phù hợp nhất. Với chúng tôi, là Hà Nội. Còn nếu được nhân rộng cách làm thì còn gì tốt hơn. Chúng ta đang hướng đến một Việt Nam đáng sống.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Giang Nam (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-van-hoa/co-hoi-tu-nhung-nha-may-cu-632652/