Cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không những giúp tăng thêm cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (EU), mà còn giúp các doanh nghiệp (DN) tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, tránh 'gom trứng vào một giỏ' để hạn chế được những rủi ro.

Khẳng định vị thế

Ngày 30-6-2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được 2 bên ký kết. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Đến chiều 12-2-2020, Nghị viện Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 chống và 40 phiếu trắng.

Với hiệp định này, Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như đưa quan hệ Việt Nam - EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Theo quy định, EVFTA cần được Hội đồng Châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để Quốc hội phê chuẩn EVFTA, sớm đưa hiệp định vào thực thi.

Đoàn công tác Nghị viện Châu Âu khảo sát vùng nuôi cá tra ở An Giang

Theo Bộ Công thương, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, EVFTA sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Hiện nay, EU với 500 triệu dân, tổng GNP 18.000 tỷ USD, vừa là thị trường lớn nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, vừa là cơ hội để DN Việt Nam tiếp cận nền tri thức tiên tiến, nền khoa học - công nghệ hiện đại, cơ hội để nâng cấp, đổi mới và hoàn thiện DN hơn.

Với EVFTA, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan (thời gian xóa thuế còn lại là 7 năm); 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa 2 phía sẽ được xóa bỏ. Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

7 năm tiếp theo, 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ. Sau 10 năm, 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU được xóa bỏ thuế. Trong khi đó, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình ngắn.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Không chỉ có xuất khẩu mà ở chiều ngược lại, DN Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong nhập khẩu để tiếp cận, mua bán nguồn hàng hóa có chất lượng tốt với mức giá phù hợp từ EU, như: các sản phẩm về máy cắt, máy chế tạo dùng trong chế biến và sản xuất công nghiệp…

Nhiều cơ hội lớn

Đối với An Giang, cá tra được xem là mặt hàng có cơ hội nhiều nhất khi cánh cửa EVFTA rộng mở. Đây là mặt hàng thế mạnh của những địa phương đầu nguồn sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp nhưng cũng luôn bấp bênh, thất thường.

Nếu như năm 2018 được xem là thời kỳ hoàng kim của ngành cá tra khi giá nguyên liệu cao kỷ lục, kim ngạch xuất khẩu trên 2,2 tỷ USD thì sang năm 2019, cá tra lại đi xuống, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Những tháng đầu năm 2020, thị trường cá tra tiếp tục gặp khó khăn khi Trung Quốc (thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam năm 2019) hạn chế nhập khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Ông Cao Lương Tri (nông dân nuôi cá tra ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) cho biết, có nhiều thời điểm DN không thu mua cá của người dân mà chủ yếu tự chế biến cá từ vùng nuôi của DN. Với cá hơn 1kg/con, chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc bán rẻ cho một số nhà máy gia công, bán sang Trung Quốc.

Ngành cá tra có nhiều cơ hội khi EVFTA được phê chuẩn

Hiện nay, với những DN phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, gần như điêu đứng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với những DN chủ động tìm kiếm thêm thị trường khác, xuất khẩu cá tra vẫn tốt. Điển hình như Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), vẫn xuất khẩu bình thường sang Châu Âu, Châu Mỹ loại cá dưới 1kg/con.

Đối với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long (TP. Long Xuyên), từ khi đưa cá tra sang Dubai (UAE) để tiếp cận thị trường Trung Đông, DN vẫn xuất khẩu tốt với giá bán cao hơn thị trường Trung Quốc. “Cùng với thị trường EU, Châu Mỹ thì đây là thị trường tiềm năng có thể rộng mở.

Điều quan trọng là thị trường nào cũng đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất rõ nguồn gốc. Do vậy, cần xây dựng chuỗi liên kết giữa người nuôi với DN một cách rõ ràng, trách nhiệm, bền vững” - Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long Trần Thị Vân Loan đề xuất.

Theo các chuyên gia, EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông, thủy sản vùng ĐBSCL như: cá tra, tôm, trái cây… Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, DN cần tìm hiểu kỹ những quy định của EVFTA, chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa theo các tiêu chuẩn của Châu Âu.

Hiện nay, các “đối thủ” trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia… dù chưa có FTA với EU nhưng họ đang nỗ lực để tiếp cận FTA với thị trường lớn này. Do vậy, các DN Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế do EVFTA mang lại.

Để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về EVFTA nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định mang lại, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong hiệp định trên trang web evfta.moit.gov.vn. Website cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn EVFTA, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU, kế hoạch hành động của Chính phủ và các bộ, ngành, các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để thực thi EVFTA.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/co-hoi-tu-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-lien-minh-chau-au-a266478.html