Cơ hội tìm vốn ngoại ngành dệt may

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã ký kết và dự kiến được thực thi vào năm 2020 không chỉ mang lại lợi ích về con số xuất khẩu mà còn được kỳ vọng sẽ thu hút lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư EU cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.

Doanh nghiệp mù mờ về cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CM 4.0) với ngành dệt may được dự báo sẽ thay đổi chóng mặt. Thực tế trên thế giới đã có những doanh nghiệp lớn đầu tư thiết kế bằng công nghệ 3D, nhà máy sản xuất bằng robot với 75% tự động, sản lượng khổng lồ.

Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ thách thức do công nghệ 4.0 mang lại. Vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Viện Dệt May, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Đại học Bách Khoa thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về mức độ chuẩn bị cho công nghệ 4.0 của ngành dệt may, trong đó có phần đánh giá thực tại áp dụng của các doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, có không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn mù mờ về công nghệ 4.0 và không có nhiều chuẩn bị. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn hiểu rõ hơn về CM 4.0 và có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công nghệ tự động hóa, đầu tư phần mềm quản lý sản xuất, đầu tư nâng cao kỹ năng cho đội ngũ quản lý, đội ngũ nhân viên.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với dệt may, CM 4.0 áp dụng được nhiều hơn trong ngành dệt, nhất là ở khâu dệt nhuộm hoàn tất. Một số lĩnh vực nổi bật có thể áp dụng như: Công nghệ tự động hóa, ứng dụng Big Data trong quản lý sản xuất, ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại như ERP… tương lai đây sẽ lĩnh vực mà dệt may Việt Nam hướng tới.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng cần phải áp dụng bởi áp dụng công nghệ mới sẽ kéo theo bài toán về vốn, lao động. Do đó cần phải thực sự cẩn thận, cân nhắc mọi yếu tố, vừa đảm bảo phát triển bền vững vừa không tụt hậu về mặt công nghệ so với các doanh nghiệp khác.

Cơ hội hút vốn từ doanh nghiệp EU

Ông Cao Hữu Hiếu cũng cho hay, ngoài vấn đề vốn, để trang bị những công nghệ này, nguồn lực về con người cũng đặc biệt cần được chú trọng bởi hiện tại chất lượng nguồn nhân lực của ngành chưa đáp ứng và theo kịp trình độ phát triển của công nghệ. Ở nhiều doanh nghiệp, ngay kể cả các doanh nghiệp FDI, lao động lành nghề có thể dễ dàng vận hành được thiết bị công nghệ tiên tiến không nhiều, đội ngũ quản lý bậc trung cũng còn thiếu.

Theo đó, về mặt chính sách, Chính phủ cần khuyến khích và thành lập các viện, trường có chương trình đào tạo theo sát nhu cầu sản xuất của các nhà máy, chú trọng đào tạo theo nhu cầu thực của doanh nghiệp chứ không lấy số lượng đào tạo làm thành tích. “Một khi doanh nghiệp đã cần và cam kết đảm bảo đầu ra với cơ sở đào tạo, tôi tin sẽ giải quyết được phần nào vấn đề thiếu hụt nhân lực có trình độ cho ngành”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Đặc biệt, EVFTA đã ký kết không chỉ mang lại cơ hội tăng thị phần xuất khẩu cho ngành mà còn mở ra cơ hội thu hút vốn từ các doanh nghiệp EU đầu tư vào phát triển khâu hạ nguồn cho ngành. Từ trước tới nay, các nhà đầu tư vào ngành dệt may chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong do lợi thế về địa lý, nhân công, gần gũi về phong tục tập quán. Việt Nam cũng được coi là địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư này bởi chi phí đầu vào rẻ hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Còn với doanh nghiệp EU, ông Cao Hữu Hiếu kỳ vọng, với thế mạnh về công nghệ sản xuất tiên tiến, doanh nghiệp EU sẽ bắt tay với doanh nghiệp dệt nhuộm hoàn tất của Việt Nam khắc phục “nút thắt cổ chai” tồn tại nhiều năm của ngành. Tuy vậy, đầu tư máy móc là một chuyện, đầu tư vào con người lại là một chuyện khác, bởi đầu tư máy móc hiện đại nhưng nhân lực không đủ đáp ứng cũng sẽ là trở ngại lớn. “Do đó, chúng tôi cũng kỳ vọng, hai bên không chỉ hợp tác trong lĩnh vực chuyên giao công nghệ hiện đại mà còn xây dựng được hệ thống kết nối trao đổi chuyên gia, tổ chức các khóa trang bị nâng cao kỹ năng kiến thức nguồn nhân lực”, ông Cao Hữu Hiếu đề xuất.

Khi EVFTA có hiệu lực, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Theo đó, trong vòng 7 năm, mức thuế hiện hành 15% sẽ được xóa bỏ dần về 0%.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-tim-von-ngoai-nganh-det-may-122528.html