Cơ hội, thách thức ở tuổi 25 của Lee Kun Hee

Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.Ban đầu Lee Kun Hee không phải người kế vị Samsung. Nhưng hoàn cảnh thay đổi, Lee Kun Hee có cơ hội đồng thời chịu thách thức lớn.

Ngày 22/9/1966, chủ tịch Lee Byung Chul tuyên bố nghỉ hưu và ông đã chọn Lee Maeng Hee là người kế vị theo cách thức trao quyền thừa kế truyền thống.

Nguyên nhân dẫn đến việc làm này của ông là do tác động của những chỉ trích về Samsung và “vụ buôn lậu đường hóa học”, nỗi lo lắng về người con trai thứ hai Chang Hee bị bắt, cùng cảm giác bị những người ông từng tin tưởng phản bội.

Tháng 7/1967, sau tám tháng kể từ khi Lee Byung Chul tuyên bố nghỉ hưu, tại cuộc họp Ban giám đốc Tập đoàn Samsung, Lee Maeng Hee chính thức được trao quyền lãnh đạo tập đoàn.

“Sau này chúng tôi sẽ gửi gắm toàn bộ công việc của Samsung cho ông Lee Maeng Hee".

Họ đã chính thức giao phó quyền điều hành cho người con trai trưởng của Lee Byung Chul là Lee Maeng Hee. Nhận quyền điều hành Samsung, Lee Maeng Hee đã nỗ lực không kể ngày đêm nhằm tái kiến thiết Samsung khi đó đang rơi xuống địa ngục vì vụ việc của công ty phân bón Hàn Quốc (Ngày 24/5/1966 Công ty phân bón Hàn Quốc mà Samsung đang xây dựng đã ngụy trang 2.259 bao đường hóa học, khoảng 55 tấn, thành vật liệu xây dựng để mang đi tiêu thụ thì bị bại lộ).

 Lee Kun Hee thời trẻ. Ảnh: Seoul.co.kr.

Lee Kun Hee thời trẻ. Ảnh: Seoul.co.kr.

Tuy nhiên, với một người đàn ông ở độ tuổi 30 chưa có kinh nghiệm nên chưa đủ tài lực để tái kiến thiết một tập đoàn to lớn như Samsung và bất bình bắt đầu nảy sinh khắp nơi.

Một Samsung mà Lee Byung Chul gây dựng trong suốt 30 năm đã không thể vực dậy được chỉ với ý chí của một chàng thành niên trẻ tuổi. Những thành viên đồng sáng lập công ty cùng nhân vật chủ chốt đã chính thức báo cáo với Lee Byung Chul rằng cứ theo đà này không chừng Samsung sẽ sụp đổ.

Cuối cùng, vài năm sau đó, vào ngày 12/6/1968, Lee Byung Chul tuyên bố trở lại điều hành Samsung.

Cuối năm 1969, người anh thứ hai của Lee Kun Hee nộp đơn lên Nhà Xanh cáo buộc rằng cha mình - Lee Byung Chul đã thực hiện những hành vi bất chính như buôn lậu 1 triệu USD ra nước ngoài, công ty CJ và công ty Cheil Industries trốn thuế, khai khống tăng kinh phí nhiều hơn so với thực tế khi xây dựng chùa Hyeon Chung.

Tuy nhiên, tổng thống Park Chung Hee đã không coi đây là một vấn đề lớn. Ông chỉ đưa ra chỉ thị tìm hiểu về vụ việc buôn lậu ngoại tệ và yêu cầu giải quyết.

Khi biết được sự việc này Lee Byung Chul cho gọi Chang Hee và yêu cầu rời khỏi Hàn Quốc ngay lập tức, cho đến khi nào ông còn sống thì không được phép đặt chân quay lại đất nước Hàn Quốc.

Maeng Hee - một người có quan hệ tiếp xúc gần gũi với phía Nhà Xanh - lại để cho một đơn tố cáo được đưa tới tay Tổng thống Park Chung Hee, điều này đủ để Lee Byung Chul nghĩ rằng Maeng Hee là kẻ đồng lõa.

Như vậy, cả con trai trưởng Maeng Hee và con trai thứ hai Chang Hee đã không có duyên với vị trí người thừa kế Tập đoàn Samsung. Đặc biệt, Lee Maeng Hee đã được trao một cơ hội rất lớn nhưng đã để vuột khỏi tầm tay.

Trường hợp của con trai thứ hai Chang Hee đã để lại sự luyến tiếc cho mọi người. Nếu như ông cố gắng chịu đựng và nhẫn nại thêm một chút thì có thể mọi chuyện sẽ khác.

Hoàn cảnh của Lee Kun Hee đã lập tức quay 180 độ, vừa là nguy cơ đồng thời cũng là cơ hội lớn nhất đã tìm đến ông. Tục ngữ Anh có câu “Một người chèo thuyền giỏi không xuất thân từ vùng biển lặng sóng".

Đối với Lee Kun Hee khi đó mới 25 tuổi ông đã gánh vác nhiệm vụ quan trọng lãnh đạo Tập đoàn Samsung mà đáng lẽ thuộc về người anh trai cả và anh trai thứ hai của ông.

Tuy nhiên chỉ trong chốc lát sự tồn tại của hai người anh đã biến mất trước mắt ông. Trách nhiệm và nghĩa vụ quan trọng của một thuyền trưởng lái con tàu lớn có tên Samsung đã được chuyển toàn bộ sang cho Lee Kun Hee.

Có lẽ đây là áp lực lớn nhất mà Lee Kun Hee phải trải qua ở độ tuổi gần 30. Lúc bấy giờ, ông chỉ là một người lái thuyền bình thường không hơn không kém song đã phải chèo lái trên vùng biển xưa vốn lặng sóng thì nay đã thêm nhiều gió to sóng lớn do hai người anh trai tạo nên.

Đây là nguy cơ cao nhất có thể khiến Lee Kun Hee bị gục ngã nhưng cũng là cơ hội có một không hai để ông có thể trở thành người thừa kế xứng đáng của Samsung.

Ji Pyeong Gil / Alpha Books và NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-thach-thuc-o-tuoi-25-cua-lee-kun-hee-post1146045.html