Cơ hội tăng cường chuỗi giá trị khu vực

Nhóm Hành động khu vực châu Phi (RAGA) thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo dựng khả năng chống chịu tác động trong tương lai cho châu Phi. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thúc đẩy thương mại nội khối, mở rộng chuỗi giá trị khu vực được cho là một trong những nhân tố quan trọng có thể giúp 'lục địa đen' đối phó những khó khăn hiện tại và các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Nhóm Hành động khu vực châu Phi (RAGA) thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo dựng khả năng chống chịu tác động trong tương lai cho châu Phi. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thúc đẩy thương mại nội khối, mở rộng chuỗi giá trị khu vực được cho là một trong những nhân tố quan trọng có thể giúp "lục địa đen" đối phó những khó khăn hiện tại và các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) chính thức được thực thi đang mở ra cho châu lục những cơ hội mới. Báo cáo "Kết nối các quốc gia và thành phố để hội nhập chuỗi giá trị khu vực - Vận hành AfCFTA" đã được RAGA phối hợp với Deloitte (mạng lưới kết nối nhiều công ty toàn cầu) xây dựng dựa trên bối cảnh AfCFTA đã bắt đầu được thực thi từ đầu năm nay. Báo cáo phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng trên lục địa, từ đó đưa ra khuyến nghị về chính sách nhằm đẩy nhanh việc mở rộng chuỗi giá trị khu vực ở các ngành sản xuất mới nổi như công nghiệp ô-tô. Các khuyến nghị được đưa ra gồm: xây dựng các mô hình tài chính mới để phục hồi nhanh chóng; mở khóa sản xuất để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu; tận dụng hội nhập và chuỗi giá trị khu vực; phục hồi cơ sở hạ tầng và kết nối; mở rộng quy mô chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới toàn diện.

Ðó là những nhân tố được cho là rất quan trọng đối với sự phát triển của châu Phi, là những việc làm cấp thiết hiện nay để thúc đẩy sự hội nhập của khu vực vốn luôn hứng chịu nhiều tổn thương bởi xung đột, đói nghèo, dịch bệnh. Chủ tịch WEF B.Bren-đơ nhận định rằng, AfCFTA có tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của châu Phi. Ðổi mới các quy tắc thương mại sẽ tạo điều kiện hợp tác tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và mở rộng hòa nhập kinh tế. Giám đốc điều hành Các thị trường mới nổi của Deloitte châu Phi M.Ða-vi-ét cho rằng, AfCFTA sẽ tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại để khuyến khích các lĩnh vực tăng trưởng mới. Ðây là một phản ứng thực tế trước tình trạng sụt giảm thương mại toàn cầu do đại dịch gây ra và sẽ đưa châu Phi trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư là các công ty đa quốc gia. Theo đại diện của Deloitte, châu Phi có thể nắm lấy chủ nghĩa khu vực mang tính tự hỗ trợ thông qua tăng cường thương mại nội khối.

Tuy nhiên, một thực tế mà châu Phi đang đối mặt là mối liên kết thiếu chặt chẽ giữa các nền kinh tế đã làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng của toàn châu lục. Nhằm làm sâu sắc hơn và tăng cường chuỗi giá trị khu vực, các nước châu Phi cần chú trọng việc sản xuất các sản phẩm thiết yếu của địa phương, nâng cao hiệu quả của các cảng và hoạt động hải quan, cũng như hợp tác ứng phó đại dịch. Lấy lĩnh vực ô-tô như một nghiên cứu điển hình, báo cáo của WEF nhấn mạnh rằng, những tiến bộ trong ngành sản xuất ô-tô có tiềm năng tạo ra nhịp độ và tốc độ cho các lĩnh vực khác để huy động và tạo ra chuỗi giá trị khu vực tích hợp mạnh mẽ hơn. Khi châu Phi xây dựng ngành công nghiệp ô-tô, lục địa này nên tập trung vào sự phát triển thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những ứng dụng được cho là mang tính bền vững cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ tính dễ bị tổn thương của các nước châu Phi khi phải phụ thuộc vào các đối tác thương mại toàn cầu. Việc phát triển các chuỗi giá trị khu vực có tính cạnh tranh sẽ làm tăng khả năng phục hồi. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nền kinh tế châu Phi giúp tăng cường quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia và khu vực. Một khi các yếu tố này giúp nền kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh hơn, châu lục có thể đối phó tốt hơn với những cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.

Châu Phi đang đứng trước nhiều cơ hội có thể "kích hoạt" tiềm năng phát triển kinh tế khi các siêu dự án gồm hệ thống giao thông sáng tạo và thành phố thông minh đang được phát triển trên khắp châu lục. Ðây là yếu tố giúp tăng cơ hội giao thương, góp phần định hình tương lai của châu Phi. Nhà máy lọc dầu tại Ni-giê-ri-a được tỷ phú giàu nhất châu Phi A.Ðăng-gốt đầu tư xây dựng sẽ là nhà máy lớn nhất ở châu lục, với công suất xử lý 650.000 thùng/ngày và dự kiến sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ đối với dầu thô Ni-giê-ri-a trị giá 11 tỷ USD/năm. Tại khu vực Ðông Phi, Ðường sắt khổ tiêu chuẩn (SGR) Kê-ni-a là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất do nước này thực hiện kể từ khi giành độc lập vào năm 1963, được thiết kế để kết nối các thành phố chính của Kê-ni-a, cũng như với các nước láng giềng…

Với vị trí địa - chính trị quan trọng và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, châu Phi tiếp tục là "điểm đến" đáng chú ý của các nhà đầu tư từ Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và các cường quốc châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch làm ảnh hưởng không nhỏ tới hợp tác giữa châu Phi với bên ngoài, thúc đẩy hợp tác và thương mại nội khối đang được "lục địa đen" chú trọng, coi đây là giải pháp hữu hiệu để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như tăng cường khả năng đối phó các thách thức lâu dài phía trước.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/co-hoi-tang-cuong-chuoi-gia-tri-khu-vuc-634254/