Cơ hội tái cấu trúc du lịch Việt Nam

Để thúc đẩy du lịch nội địa và sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, ngay lúc này, ngành du lịch cần thiết lập vai trò dẫn dắt; tăng tính liên kết, định vị và đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn…

Đây chính là những vấn đề "nóng" được bàn luận tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" chiều ngày 21/5, tại Hà Nội. Sự kiện do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức với sự tham gia của hơn 50 đại diện cơ quan quản lý du lịch, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về dịch vụ, lữ hành, hàng không, lưu trú.

Làm mới diện mạo

Nhận định từ cơ quan quản lý và các chuyên gia, doanh nghiệp hậu dịch là cơ hội để cơ cấu lại ngành du lịch

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, dịch Covid-19 đã được khống chế tại Việt Nam nhưng ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu của du khách thay đổi nhiều so với trước đây. Để kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Hiện, bước đầu được các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn ngành hưởng ứng. Tuy nhiên, để thực sự giúp cho du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng trở lại, còn rất nhiều việc cần phải làm.

Trong đó, đối với thị trường du lịch nội địa, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, cần có tiếng nói và sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, điểm đến, các hãng hàng không, các công ty lữ hành, các chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí để các chương trình kích cầu nội địa thực sự hiệu quả, hấp dẫn và mang lại tính cộng hưởng, lan tỏa rộng rãi đến với nhu cầu của khách du lịch. Còn thị trường du lịch quốc tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Vì vậy ngành cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Đề cập tới giải pháp để phục hồi ngành du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần có vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái du lịch của Việt Nam, thông qua đó nhằm thiết lập các hành động cụ thể, tạo sự cam kết trong chuỗi cung ứng; gia tăng tính liên kết toàn ngành. Bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group - cho hay, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với ngành du lịch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chính "túi tiền" và tâm lý của du khách. Do vậy, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu, địa phương - điểm đến - các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn.

Còn ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh, du lịch được coi là ngành mũi nhọn nên sau dịch Covid-19, chúng ta phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam, qua đó để phục hồi ngành du lịch cũng là khởi đầu cho ngành kinh tế khác. Thời điểm này cần tranh thủ tái cấu trúc ngành du lịch bằng cách định hướng thay đổi thị trường, hãng hàng không cần mở ra các điểm đến mới, visa không chỉ nên dừng ở hơn 20 nước mà cần phải mở rộng hơn nữa. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel - khẳng định, đây là thời điểm để cấu trúc lại ngành, có cách tiếp cận khác để hồi phục nhanh ngành du lịch. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên suy tính để thay đổi, vì cấu trúc cũ không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém.

Thúc đẩy truyền thông điểm đến an toàn hậu Covid-19 để Việt Nam tăng sức hấp dẫn với thị trường quốc tế

Định vị điểm đến an toàn

Để khuyến khích du khách dịch chuyển hâu Covid-19, nhất là với thị trường quốc tế, các đề xuất đưa ra cho rằng, ngành du lịch cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông du lịch an toàn; thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam với thông điệp thành công về chống dịch và các giải pháp ưu tiên về an toàn mà Việt Nam triển khai trong hệ thống du lịch.

Ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư Lodgis Hospitality Holdings - nhận định, thị trường trong nước, khu vực châu Á không thể phục hồi nhanh, nhưng có thể từng bước mở cửa để đảm bảo Việt Nam là điểm đến an toàn vì thành công trong việc kiểm soát dịch. Theo đó, cần định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn và cần tuyên truyền mạnh vấn đề này bằng việc khởi động các chiến dịch marketing càng nhanh càng tốt. Còn ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch TAB - gợi ý, Việt Nam có thể tham khảo Australia, New Zealand, Thái Lan cách tạo khu nghỉ dưỡng riêng biệt đảm bảo sự an toàn cho du khách.

Nhấn mạnh thêm về truyền thông điểm đến an toàn, theo bà Trần Thị Nguyện, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên thu hút du khách quốc tế quay lại, bởi đất nước chúng ta đã rất xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, ngay khi Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, kỳ vọng ngành du lịch sẽ lập tức triển khai chương trình quảng bá "Việt Nam - Điểm đến an toàn". Đây là bước khởi đầu quan trọng để du khách quốc tế ý thức được có một Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện đang chào đón họ trở lại.

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng kiến nghị, Tổng cục Du lịch có thể hối thúc các đơn vị liên quan thực hiện mục tiêu mở cửa sớm; thực hiện quảng bá Việt Nam như một điểm đến an toàn. Ngoài ra, sau dịch, cơ cấu, tập quán, thói quan du lịch của du khách nước ngoài tới Việt Nam có thể thay đổi, chúng ta cần tìm hiểu để đáp ứng phục vụ nhu cầu. Tổng cục Du lịch nên có bộ phận thiết kế sản phẩm du lịch khiến nó đặc biệt hơn để lan tỏa tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách.

Đánh giá cao các ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, sau dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp; ưu tiên hợp tác hàng không và du lịch. Đặc biệt, với thị trường nội địa, chúng ta nói nhiều về giảm giá, cam kết... nhưng mọi người phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi. Bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu. Do đó, trong giai đoạn này, bên cạnh kích cầu là lựa chọn nhóm đối tượng cần hỗ trợ nhất để kiến nghị với Chính phủ.

Theo ông Lê Quang Tùng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đề xuất thời điểm, nguyên tắc, cách thức mở dần du lịch quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Về cơ chế liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch sẽ đứng ra điều phối việc triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện để đạt hiệu quả cao.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng: Để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa và chuẩn bị cho việc mở lại du lịch quốc tế thì yếu tố quan trọng là truyền thông mạnh mẽ về điểm đến Việt Nam an toàn ở trong nước và trên thế giới. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch mở cửa lại thị trường quốc tế theo 4 giai đoạn.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-tai-cau-truc-du-lich-viet-nam-137739.html