Cơ hội phát triển du lịch, văn hóa cho địa phương

Ngày 12-4, Kỳ họp lần thứ 204 Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Paris (Pháp) thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC). Đây là CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam.

Bảo tồn giá trị toàn cầu

CVĐCTC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2 chứa đựng nhiều giá trị về địa chất địa mạo, văn hóa, lịch sử, xã hội... CVĐCTC Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Thác Bản Giốc, Khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, động Ngườm Ngao… Nơi đây có hơn 130 điểm di sản địa chất chứa đựng chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới minh chứng cho sự phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm và là một trong những nét độc đáo của Non nước Cao Bằng được UNESCO đề cao.

Thời gian qua, các ngành hữu quan Việt Nam nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng đã có nhiều nỗ lực, tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan uy tín quốc tế. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, cho biết: "Ngay từ năm 2015, tỉnh đã thành lập và triển khai kế hoạch xây dựng CVĐCTC Non nước Cao Bằng bởi mô hình bảo tồn và phát triển này phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cao Bằng đã triển khai và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức. Tỉnh Cao Bằng đã gấp rút thực hiện đào tạo nhân lực, tham gia các hoạt động quảng bá, hội thảo của mạng lưới CVĐCTC tại nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Anh, Trung Quốc… Năm 2016, trên cơ sở tham vấn của các chuyên gia quốc tế, Cao Bằng đã trình hồ sơ lên UNESCO và hình thành 3 tuyến du lịch với cơ sở vật chất về hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ…".

Hình tượng ngựa đá ở huyện Nguyên Bình nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.Ảnh: Trung Nguyên.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, CVĐCTC không chỉ mang lại lợi ích cho các địa phương mà còn cho thế giới thấy sự tươi đẹp và đa dạng của cảnh quan Việt Nam. Mô hình bảo tồn và phát triển CVĐCTC tích hợp đến 8/17 mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO. Thêm vào đó, CVĐCTC do UNESCO trao tặng luôn chú trọng đến các đối tác và hợp tác, không chỉ giữa các bên liên quan ở địa phương mà còn trên bình diện quốc tế. Danh hiệu CVĐCTC Non nước Cao Bằng sẽ mang lại cho mảnh đất địa đầu của Tổ quốc nhiều giá trị to lớn trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Trước khi Non nước Cao Bằng được công nhận, Việt Nam mới có một CVĐCTC là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Giang, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đặc biệt là về phát triển du lịch và các cơ sở hạ tầng dịch vụ gắn với du lịch. Được công nhận năm 2010, chỉ sau 5 năm, Cao nguyên đá Đồng Văn từ một nơi heo hút, ít người biết tới đã đạt 700.000 lượt du khách đến với Hà Giang trong năm 2015, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 708 tỷ đồng.

Từ Hà Giang có thể thấy, ngoài lợi ích về bảo tồn, việc trở thành CVĐCTC còn đem lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực cho địa phương cũng như cộng đồng dân cư tại địa danh đó. Ông Patrick Keever, Văn phòng mạng lưới CVĐCTC của UNESCO, đánh giá: “Non nước Cao Bằng là di sản tầm cỡ quốc tế, vì thế nó trở thành CVĐCTC. Được công nhận có nghĩa là Cao Bằng có cơ hội để sử dụng, khai thác những giá trị của công viên nhằm phát triển kinh tế-xã hội thực sự bền vững”. Một CVĐCTC không bắt buộc phải giữ nguyên hiện trạng, vẫn có thể khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế nhưng phải giữ nguyên đặc tính ban đầu. Bà Trần Thị Hoàng Mai, Đại sứ-Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, chương trình công viên địa chất này cân bằng hơn, vừa nghĩ đến bảo tồn nhưng vẫn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng dân cư địa phương.

Tạo điều kiện để phát triển nhưng 4 năm một lần, UNESCO sẽ xem lại các địa danh được công nhận là CVĐCTC và có thể loại ra khỏi danh sách những nơi để cho quá trình phát triển kinh tế gây tổn hại đến các yếu tố tạo nên một công viên địa chất. Rõ ràng, yếu tố bền vững mới là mục đích cao nhất mà UNESCO đặt mục tiêu hướng tới cho các CVĐCTC của mình. Theo ông Sầm Việt An: Dù đã được công nhận là CVĐCTC nhưng Cao Bằng vẫn còn nhiều việc phải làm vì mô hình CVĐCTC đề ra nhiều tiêu chí cao cho vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế, phát triển du lịch, tạo sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân… Việc bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của một CVĐCTC phải tăng lên hằng năm. Do đó, Cao Bằng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt trong các trường học về giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản; tiếp tục hoàn thiện, quảng bá du lịch Cao Bằng; tham gia hoạt động kết nối với các CVĐCTC trên thế giới để phát huy tối đa những lợi thế của một CVĐCTC.

HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/co-hoi-phat-trien-du-lich-van-hoa-cho-dia-phuong-536519