Cơ hội phát triển bền vững từ CPTPP

Theo nhận định từ các diễn giả tại Tọa đàm 'Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP' do Báo Hải quan tổ chức ngày 28/5/2019 tại TPHCM, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đem lại cho các DN Việt Nam cơ hội mở cửa thị trường qua việc cắt giảm thuế quan mạnh mẽ mà còn tạo điều kiện để các DN điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP do Báo Hải quan tổ chức ngày 28/5 Ảnh: Nguyễn Huế

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP do Báo Hải quan tổ chức ngày 28/5 Ảnh: Nguyễn Huế

Hiệp định tiêu chuẩn cao

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, CPTPP là Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua. Trong đó về mở cửa thị trường, việc cắt giảm thuế NK tại các nước thành viên đều cơ bản đưa thuế về 0% với lộ trình khác nhau. Trong đó, với các nước phát triển, áp dụng lộ trình giảm thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, đối với hàng hóa NK từ Việt Nam tại một số thị trường mới Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru thì Canada cắt giảm ngay tới 95% dòng thuế. Mức cắt giảm này cũng tương tự với các nước phát triển khác. Với các nước đang phát triển như Mexico, Peru, lộ trình có dài hơn nhưng về cơ bản trên 80% dòng thuế đưa về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức độ mở cửa thị trường cao nhất trong các FTA được đàm phán trong thời gian qua.

Cùng với việc giảm thuế, các chuyên gia cũng cho rằng, CPTPP cũng là hiệp định đầu tiên tập trung hướng tới việc hình thành chuỗi cung ứng mới. Có thể thấy, tất cả các quy định của CPTPP đều tập trung hướng tới việc cố gắng hình thành nên một chuỗi giá trị trong khu vực. Đặc biệt về quy tắc xuất xứ hay hàng rào kỹ thuật ảnh hưởng đến thương mại xuất nhập khẩu như hàng rào đối với nông sản, công nghiệp đều được điều chỉnh theo hướng mở cửa ổn định, lâu dài, đóng góp cho việc hình thành chuỗi giá trị mới trong khu vực.

Bên cạnh đó, các quy định về đầu tư cũng tập trung để dòng thương mại lưu chuyển tự do từ nguyên liệu sang bán thành phẩm, sang thành phẩm cuối cùng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực nhiều hơn. Thực tế trong thời gian qua, khi bắt đầu thực hiện hiệp định đã có tác động quyết định đến đầu tư nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực.

CPTPP ra đời trong bối cảnh trên thế giới có rất nhiều biến động. Một trong tác động lớn nhất của các biến động đó là tạo nên một chuỗi cung ứng mới. Từ chiến tranh thương mại đến xu thế hội nhập khác của các nước đều tạo ra sự biến động đến các chuỗi cung ứng trước đây đã hình thành. CPTPP cũng giống như các FTA khác trong bối cảnh phức tạp như vậy, một số nước quyết định vẫn đi tiếp trong việc tự do hóa thương mại và dùng các FTA này để hình thành chuỗi giá trị mới ổn định.

Đối với CPTPP, một yếu tố được quan tâm để hình thành nên chuỗi giá trị khu vực là quy tắc xuất xứ. Với hệ thống quy tắc xuất xứ tương đối chặt chẽ, CPTPP buộc các nước nước thành viên phải tham gia xây dựng chuỗi giá trị. Theo đó, hệ thống xuất xứ của CPTPP tập trung vào các xuất xứ phức tạp như nguyên tắc cộng gộp toàn phần (bất kỳ giá trị nào sản xuất trong khu vực đều được cộng gộp vào để tính giá trị của hàng hóa đó trong xuất xứ). Ngoài ra còn có danh mục xuất xứ dành riêng cho từng mặt hàng. Điển hình, có hai nhóm hàng có nguyên tắc xuất xứ tương đối phức tạp là hàng dệt may và ô tô. Đối với nhóm ngành dệt may, ngoài nguyên tắc xuất xứ 3 công đoạn còn được chi tiết hóa đến từng mặt hàng. Việc này nhằm nâng cao giá trị cho ngành dệt may từ mô hình sản xuất còn đơn giản và sự tham gia còn hạn chế vào chuỗi giá trị. Tương tự đối với ngành ô tô cũng có các quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa nhằm giúp ngành này tiến lên một bước cao hơn trong chuỗi giá trị.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, để tận dụng tốt các tiến bộ mà CPTPP đem lại, việc đầu tiên là các DN phải nắm chắc thông tin vì quy định của hiệp định rất phức tạp do đây là FTA thế hệ mới. Chỉ có nắm chắc thông tin thì các DN mới biết cách áp dụng. Bên cạnh đó, qua các bước nghiên cứu về hiệp định các DN cần có phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước để có sự cập nhật, điều chỉnh làm sao để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận được thị trường các nước. Đơn cử như việc khai C/O nếu có khó khăn, vướng mắc ở thị trường nước noài thì DN cần có thông tin phản hồi ngay để các cơ quan quản lý có hướng dẫn, tháo gỡ cho DN để có thể xử lý các thắc mắc của DN. Việc phản hồi của DN cũng giúp các cơ quan quản lý có thông tin tốt hơn để hỗ trợ DN.

CPTPP là Hiệp định đầu tiên có chương riêng về DN vừa và nhỏ, theo cam kết các nước cần tạo ra môi trường minh bạch và cung cấp thông tin để DN vừa và nhỏ có thể tăng cường tham gia vào các FTA. Hiện, Bộ Công Thương đang làm việc với nhiều đối tác để đưa ra các ấn phẩm hướng dẫn DN vừa và nhỏ khi XK sang các nước CPTPP cần thông tin gì, cần đáp ứng tiêu chuẩn gì để tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại.

Việc tham gia CPTPP có thể tạo ra áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa cho các DN khi mở cửa thị trường cho các nước CPTPP tiếp cận thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN có điều chỉnh sản xuất để có cạnh tranh tốt hơn. Đối với hàng NK vào Việt Nam, cam kết của CPTPP linh hoạt nhất trong các FTA tham gia với 66% biểu thuế phải cắt giảm trong khi các nước phải cắt giảm từ 80% đến 95%. Đặc biệt một số mặt hàng nông sản còn được duy trì hạn ngạch thuế quan với lộ trình cắt giảm dài. Điển hình như mặt hàng thuốc lá có lộ trình cắt giảm thuế lên tới 20 năm các DN phải nắm được các điểm linh hoạt này để làm sao trong quá trình đó chuyển đổi hiệu quả để hội nhập thành công không chỉ trong CPTPP mà còn ở các đối tác khác có năng lực cạnh tranh cao hơn CPTPP.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/co-hoi-phat-trien-ben-vung-tu-cptpp-105789-105789.html