Cơ hội phải do chính mình tìm kiếm

Vừa xuất hiện trong một liveshow ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sĩ violin Anh Tú lại bắt tay ngay vào thực hiện buổi hòa nhạc khác vào đầu tháng 12. Trong khi những đêm diễn độc tấu là giấc mơ khó khăn đối với nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cụ, thì với Anh Tú, đó chỉ là những bước khởi đầu trên con đường nghệ thuật mà anh chọn, một con đường đầy chông gai nhưng cũng chất chứa những ngọt ngào.

Âm nhạc là nguồn sống của tôi

- Tôi tự hỏi, không hiểu tình yêu violin và rộng hơn, tình yêu âm nhạc của Anh Tú đến từ đâu mà anh miệt mài và mê đắm đến vậy?

- Chắc từ khi còn nằm trong bụng mẹ! Vì thấy mẹ kể lại, mỗi lần mẹ đi dạy nhạc, nếu nghe thấy giai điệu vang lên là đạp bụng mẹ ghê lắm! Anh Tú là con nhà nghệ thuật, nên từ khi sinh ra, âm nhạc là nguồn sống, là dưỡng khí nuôi trưởng thành, lớn khôn.

- Với "lưng vốn" hàng trăm liveshow, minishow, một hành trình miệt mài của đam mê và sáng tạo, Anh Tú có nghĩ mình đang chạm tay vào giấc mơ của mình, một giấc mơ mà nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển khác không dám nghĩ tới?

- Tôi là người nhiều tham vọng. Ðạt được mục đích này, lại muốn vươn tới mục đích khác; vượt qua đỉnh núi này, lại muốn vượt tiếp đỉnh núi cao hơn khác. Không bao giờ dừng lại trên bước đường đi đã chọn - dù gian nan, dù khó khăn đến đâu; không bao giờ toại nguyện với những ước mơ đã đạt được, bởi ngay sau đó, tôi luôn vạch ra những ước mơ vươn tới đỉnh cao khác. Nên có thể nói, hơn 100 liveshow, minishow mà Anh Tú đã làm chỉ là bước khởi đầu cho những bước tiếp theo trên con đường nghệ thuật.

- Và Anh Tú giải mã giấc mơ đó của mình như thế nào, vì sao anh làm được điều khác biệt đó, trong khi đời sống của các nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển ở nước ta rất khó khăn, họ không có nhiều cơ hội biểu diễn ngoài những đêm diễn chung của dàn nhạc giao hưởng?

- Nếu không có may mắn, thì cơ hội phải do chính mình tìm kiếm. Tìm kiếm ngay trong lao động nghệ thuật bền bỉ không ngừng nghỉ! Ðó là cách làm của tôi trong sự đổi mới về cách tiếp cận âm nhạc hiện nay với đông đảo công chúng.

Khoảng 16, 17 năm trước, khi mà các nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển vẫn còn đang miệt mài chơi trong dàn nhạc thính phòng, giao hưởng thì tôi đã lặng lẽ, lên kế hoạch, ý tưởng về những buổi diễn violin theo phong cách hiện đại, mới mẻ với những bản nhạc theo cách của riêng mình. Ðể tạo nên những điều khác biệt, bạn có biết: Ðó là những đêm thức trắng triền miên chỉ để nghĩ, để làm ra một bản hòa âm phối khí mới cho một tác phẩm; đó là sự đương đầu với những sự soi xét kinh khủng của cả giới chuyên môn lẫn khán giả trong những ngày đầu sáng tạo; đó là những ngày lao động, tập luyện nghệ thuật hơn 20 tiếng không ngừng nghỉ; đó là cả một tuổi thơ không biết gì ngoài phòng tập, ngoài sân khấu diễn; đó là cả một thời tuổi trẻ "giam mình" trong những nốt nhạc… Như bạn thấy đó, để tạo ra khác biệt giữa hàng triệu cái chung, con đường bước đi luôn là chông gai!

- Một con đường đầy chông gai nhưng cũng đầy dư vị ngọt ngào của hạnh phúc khi anh được công chúng đón nhận. Violin acoustic, violin rock, violin pop, violin semi-classic phải chăng đó là cách anh lựa chọn để tiếp cận công chúng, vì nếu chỉ cổ điển thôi sẽ rất khó khăn?

- Mỗi một nhóm khán giả có cách tiếp cận và thưởng thức âm nhạc riêng của mình. Với âm nhạc cổ điển, khó khăn hay không, có lẽ chúng ta nên để những nghệ sĩ trong cuộc tự cảm nhận, còn bản thân Anh Tú, không phải là một nghệ sĩ biểu diễn dòng nhạc cổ điển thuần túy 100% nên mạn phép không đưa ra lời khẳng định.

Còn lựa chọn acoustic, rock, pop hay lãng mạn, trữ tình… có thể theo cách nghĩ của nhiều người là sự khôn ngoan, là thời thượng, là thị hiếu nhưng với riêng bản thân Anh Tú, đó đơn giản chỉ là mạch nguồn của sự đam mê, của sự chinh phục những đỉnh cao sáng tạo mới trong nghệ thuật âm nhạc.

Luôn dành vị trí đặc biệt cho những khán giả nghèo

- Hàng trăm đêm nhạc sống hoàn toàn bằng bán vé, không tài trợ - như chia sẻ của anh. Liệu đó có là một thử thách?

- Riêng việc này, tôi không có thử thách, tôi cũng không phải vượt qua, vì tôi có một lượng khán giả "hùng hậu", luôn ủng hộ trong các liveshow, minishow dù ở bất cứ dòng nhạc pop, rock hay lãng mạn, trữ tình… Họ đã đồng hành với tôi trong sáu năm qua và lượng khán giả đó ngày càng đông lên. Ðó cũng là cách tôi đưa âm nhạc đến với các bạn trẻ.

- Anh từng nói: "Trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, tôi luôn mong muốn tiếng đàn của tôi sẽ giúp xóa tan những băng giá trong trái tim bạn..." Anh coi mình là nghệ sĩ giản đơn của những khán giả nghèo. Ðến bây giờ anh tự thấy mình đã làm được điều đó chưa?

- Khi bạn hỏi tôi "Tự thấy đã làm được điều đó chưa?" thì tôi nghĩ, có lẽ, bạn đã có câu trả lời. Và chắc chắn, đến bây giờ, những khán giả của Anh Tú cũng đều có câu trả lời.

Và đến một ngày nào đó, con số liveshow, minishow có lên tới hàng nghìn thì tôi cũng vẫn luôn dành những vị trí đặc biệt cho những khán giả nghèo yêu nhạc của tôi trong những khán phòng nhà hát. Bởi tôi, phần vì luôn yêu mến sự gần gũi, giản đơn, mộc mạc; phần vì luôn yêu thương, trân quý những khán giả nghèo nhưng vô cùng am hiểu âm nhạc, đặc biệt là violin, chỉ bởi cuộc sống không đủ điều kiện để có thể thưởng thức âm nhạc trong các khán phòng nghệ thuật, nên tôi muốn đóng vai trò như một cầu nối, biểu diễn dành tặng cho những khán giả nghèo. Họ nghèo tiền, nhưng họ không nghèo tình, họ không nghèo trí. Và tôi rất quý trọng những con người như vậy!

- Anh Tú sẽ làm gì nếu không phải là âm nhạc?

- Khẳng định với bạn luôn: Câu trả lời này không có trong từ điển của mình! Với mình, chỉ có âm nhạc, âm nhạc và duy nhất âm nhạc mà thôi.

- Một Anh Tú trên sân khấu mê đắm, "quên cả lối về", nghệ sĩ phiêu bồng và một Anh Tú ngoài đời khác nhau như thế nào?

- Ngắn gọn thôi: Một Anh Tú rất giản đơn, thích sự gần gũi, mộc mạc. Một người thầy Anh Tú cực kỳ kỹ tính, khó tính và nghiêm khắc.

- Sau liveshow Mối tình đầu, anh đang chuẩn bị một liveshow khác vào tháng 12 tới, và ra bộ đôi album, anh có thể chia sẻ về điều này?

- Anh Tú và Công ty Nghệ thuật Thần Ðồng của mình đang lên kịch bản cho hai liveshow Anh Tú Violin vào thời gian tới: Ðó là hai đêm nhạc với những bản nhạc bất hủ của Mỹ và Nga. Về album, hiện tại tôi đang hòa âm phối khí, nếu không có gì thay đổi thì khoảng tầm tháng 11 sẽ phát hành. Ðó cũng là những bản tình ca bất hủ, với những giai điệu lãng mạn, trữ tình, da diết.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Bắt đầu học violin từ năm bốn tuổi, hai năm sau, Anh Tú chính thức theo học chính quy tại khoa Dây, Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2011 anh tốt nghiệp Cao học xuất sắc chuyên ngành biểu diễn Violon với số điểm tuyệt đối 10/10 của cả Hội đồng Giáo sư đầu ngành Âm nhạc Cổ điển. Sau đó, anh giành hàng loạt học bổng du học tại Trung Quốc, Nga... và được lựa chọn làm Bè trưởng của nhiều dàn nhạc trong và ngoài nước. Công việc hiện tại của Thạc sĩ Anh Tú là giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Bắt đầu học violin từ năm bốn tuổi, hai năm sau, Anh Tú chính thức theo học chính quy tại khoa Dây, Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2011 anh tốt nghiệp Cao học xuất sắc chuyên ngành biểu diễn Violon với số điểm tuyệt đối 10/10 của cả Hội đồng Giáo sư đầu ngành Âm nhạc Cổ điển. Sau đó, anh giành hàng loạt học bổng du học tại Trung Quốc, Nga... và được lựa chọn làm Bè trưởng của nhiều dàn nhạc trong và ngoài nước. Công việc hiện tại của Thạc sĩ Anh Tú là giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

PHAN CHI (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/tro-chuyen-cuoi-tuan/item/34396402-co-hoi-phai-do-chinh-minh-tim-kiem.html