Cơ hội nâng cao vị thế Gạo Việt

Nhằm giảm bớt thực trạng manh mún, phân tán, đồng thời tăng tính chuyên nghiệp và tập trung vào những sản phẩm chất lượng cao…đó là một trong những hướng đi mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang hướng đến và được đề cập tại Hội nghị gạo quốc tế mặt hàng Gạo Việt Nam với chủ đề 'Triển vọng và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam', được tổ chức vào chiều ngày 10/10, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị Quốc tế mặt Gạo Việt Nam (ảnh Đ.Đ)

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành lúa gạo đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Từ việc chú trọng sản lượng xuất khẩu, chúng ta đã chú trọng hơn đến chất lượng, mang đến thị trường thế giới những sản phẩm gạo cao cấp. “Những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống lúa, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã và đang từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam” – ông Hải nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, bên cạnh những nhóm giống cải tiến, năng suất cao đóng vai trò then chốt đã góp phần quan trọng trong việc tăng chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam như OM6162, OM6677, OM6561...những giống lúa thơm chất lượng cao nhằm phục vụ các phân khúc thị trường cấp cao cũng được quan tâm như giống Jasmine 85, ST5, ST 20..

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù sản phẩm gạo đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu: Cụ thể, đó là năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc té, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế.

Các chuyên gia, diễn giả tham dự diễn đàn về Gạo (ảnh Đ.Đ)

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, việc phát triển thị trường gạo xuất khẩu đã được Việt Nam xác định rõ như sau: Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Hội nghị thu hút khoảng 450 đại biểu là các diễn giả quốc tế đến từ tập đoàn kinh doanh thương mại gạo lớn nhất thế giới, tập đoàn tư vấn tài chính tái cơ cấu doanh nghiệp và tập đoàn tư vấn chuỗi cung ứng giá trị gạo Phoenix Global, The International Finance Corporation World Bank Group, Rice Exchange Company và các các diễn giả chuyên gia trong nước đã tham dự. Ngày 11/10/2018, Hội nghị Quốc tế Gạo lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-hoi-nang-cao-vi-the-gao-viet-81214.html