Cơ hội mới từ Kinh tế chia sẻ

Việt Nam sẽ chính thức thực hiện mô hình Kinh tế chia sẻ, đồng thời đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Cụ thể, mô hình sẽ đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Ahamove là ứng dụng được phát triển bởi công ty Giao Hàng Nhanh một trong những star up trong lĩnh vực vận tải.

Ahamove là ứng dụng được phát triển bởi công ty Giao Hàng Nhanh một trong những star up trong lĩnh vực vận tải.

Thị trường “tỉ đô”

Đây có thể xem là một bước đi đúng đắn của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh hội nhập. Bởi, trên thế giới mô hình kinh tế chia sẽ không phải là mới mẻ, nó được nhiều quốc gia áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể kể đến như Mỹ, một quốc gia đi đầu trong mô hình kinh tế chia sẻ. Từ năm 2009, khi gặp khủng hoảng kinh tế, mô hình này bắt đầu phát triển mạnh, dù rằng trước đó đã được nhắc tới. Kinh tế khó khăn buộc người dân, doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tiêu dùng để phù hợp bối cảnh. Việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ đã mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên.

Đến nay, mô hình này đã phổ biến ở nhiều quốc gia và trở thành một mô hình tiên tiến, phù hợp với kinh tế số. Nhiều thương hiệu mà khi nhắc tới người ta nghĩ ngay tới kinh tế chia sẻ, có thể kể tới những thương hiệu như: Airbnb, RelayRides, DogVacay hay LiquidSpace… Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời và đã thu hút được khoảng ba nghìn tòa lâu đài, biệt thự; hai nghìn căn hộ và hàng chục nghìn ngôi nhà bình thường khác trên toàn thế giới tham gia và hệ thống cho thuê và chia sẻ chỗ ở. Đến năm 2015, dịch vụ Airbnb.com đã được định giá khoảng 20 tỷ USD.

Cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt

Gần đây nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã tiên phong thực hiện mô hình này. Đơn cử như: Uber, Grab, Airbnb… Còn với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp dù mô hình còn nhỏ nhưng cũng đã áp dụng mô hình này, đó là những cái tên như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu...

Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này.

Trở lại việc phê duyệt mô hình kinh tế chia sẻ của Thủ tướng, có thể thấy rõ quan điểm của Chính phủ trong câu chuyện này là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ đề ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm: Nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ; nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Bởi vậy, việc thực hiện đề án này được kỳ vọng sẽ mang lại những thành công mới, đặc biệt là sự bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

Quốc Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-hoi-moi-tu-kinh-te-chia-se-155935.html