Cơ hội mới của ngành Đường khi giãn Hiệp định ATIGA

Các doanh nghiệp trong ngành Đường có thêm thời gian chuẩn bị cho thời điểm cạnh tranh mới với việc xây dựng nguồn nguyên liệu, nâng cao công nghệ, năng suất canh tác…

Về lâu dài, ngành Mía đường cần một chính sách phát triển đồng bộ và bền vững. Ảnh: TM

Về lâu dài, ngành Mía đường cần một chính sách phát triển đồng bộ và bền vững. Ảnh: TM

Giãn 2 năm thực hiện ATIGA với ngành Đường

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành Đường mới đây được Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn thời hạn thực hiện thêm 2 năm.

Thay vì được áp dụng từ năm 2018, ATIGA sẽ được giãn tới năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương triển khai quy hoạch ngành Mía đường, tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất; có biện pháp phối hợp với Hiệp hội Mía đường đảm bảo lợi ích người trồng mía khi Chính phủ thực hiện chính sách hạn ngạch thuế quan với ngành.

ATIGA được ký kết năm 2009, trong đó ưu tiên cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan của các nước thành viên trong Hiệp định. Như đúng cam kết, thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018. Điều này, theo đánh giá từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, gây khó khăn và ảnh hưởng khá lớn tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cũng như hàng triệu hộ nông dân trên cả nước. Khi giãn thời hạn áp dụng ATIGA, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường trả lời báo chí rằng đây là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

Đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa đánh giá, giãn hiệp định là thông tin tích cực và thuận lợi cho ngành Mía đường. Đây cũng là cơ hội cho 11.000 hộ nông dân trồng mía, 38.000 người lao động thích ứng chuẩn bị cho hội nhập. Điều này cũng được xem là phù hợp khi Chính phủ các quốc gia có thế mạnh về đường trong khu vực như Thái Lan và Philippines đang trợ cấp mạnh mẽ ngành Đường của họ cũng như triển khai các hoạt động bảo hộ thương mại.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, Ngành Đường Việt Nam có cơ hội phát triển và dư địa tốt. Mức tiêu thụ đường đầu người Việt Nam chỉ đạt 17,5kg năm 2017, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN như Philippines (23,5kg), Indonesia (24,6kg), Thái Lan (43,4kg) và Malaysia (57,9kg).

Chưa kể, giá đường được dự báo tăng trở lại khi chạm đáy vào tháng 5 và kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại, phục hồi trong 3 tháng cuối năm 2018. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường toàn cầu niên độ 2018 - 2019 sẽ sụt giảm 4 triệu tấn do hạn hán nghiêm trọng ở Brazil. Các quỹ đầu cơ hàng hóa gia tăng mua vào và Ấn Độ xây dựng kho dự trữ đường dẫn đến hạn chế xuất khẩu đường ra thế giới. Đồng thời giá xăng dầu phục hồi mạnh khiến cho nhu cầu sử dụng xăng sinh học nhiều hơn và hoạt động sản xuất Ethanol tăng trở lại.

Củng cố tiềm lực đón thời cơ

Bên cạnh câu chuyện thời cơ, ngành Mía đường cũng cần nhìn vào thực tế. Theo ông Phạm Quốc Doanh, về lâu dài, ngành Mía đường cần một chính sách phát triển đồng bộ và bền vững. Ngành có thể xây dựng vùng thí điểm cho sản xuất cơ giới hóa, giảm chi phí và giá thành; thành lập Quỹ Phát triển mía đường, đồng thời, cần nhanh chóng trình Thủ tướng đăng ký xây dựng Luật Mía đường...

Đặc biệt, ông Doanh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm sau đường và cạnh đường. Điện sinh khối là nguồn thu lớn với doanh nghiệp đường, có những doanh nghiệp thu vài trăm tỷ đồng/năm bởi nguồn này. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm sau đường này để doanh nghiệp tăng cường tiềm lực trong bối cảnh hội nhập.

Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty lớn trong ngành Mía đường cũng đã có những sự chuẩn bị, đầu tư cho công cuộc cạnh tranh mới. Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn thực hiện củng cố lại vùng nguyên liệu mía, ổn định diện tích khoảng 13.000 ha; thành lập công ty phát triển nguyên liệu để cung ứng các dịch vụ chăm sóc, phân bón, chuyển giao công nghệ; xây dựng chuỗi giá trị liên kết bền vững từ đồng ruộng đến nhà máy, đến người tiêu dùng.

Riêng niên độ 2017 - 2018, công ty này đặt mục tiêu 3 không nhằm tăng năng suất, chất lượng: Không có hộ diện tích dưới 1ha, không có mía năng suất dưới 70 tấn/ha và không có mía dưới 8 trữ đường (CCS). Mía đường Lam Sơn phấn đấu đưa tăng trưởng hàng năm trên 20%, mục tiêu đến niên độ 2019 - 2020 đạt 500 tỷ đồng lãi trước thuế.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho biết, đơn vị đang đa dạng hóa các sản phẩm đường và sau đường. Không chỉ có đường vàng, đường organic, SBT còn phát triển mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai ép từ mía, phân vi sinh hữu cơ.

Theo ông Thành, đến 2020, khi ATIGA có hiệu lực, thị trường ngành Đường có thể sẽ vô cùng thú vị và cạnh tranh ác liệt. Giá thành đường của Việt Nam sẽ kiểm soát bằng hoặc hơn Thái Lan một chút, do đó,người nông dân sẽ dịch chuyển sang các giống cây trồng khác. Tuy nhiên, Tập đoàn Thành Thành Công có những công nghệ kế thừa, mang tính cạnh tranh, hiện đại nên có đủ sức nhập đường nguyên liệu từ các cường quốc như Brazil, Thái Lan để sản xuất trong tương lai.

Trà My

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/co-hoi-moi-cua-nganh-duong-khi-gian-hiep-dinh-atiga_t114c1067n136378