Cơ hội mới cho thương mại Việt Nam

Cán cân thương mại năm 2018 thặng dư 7,2 tỷ USD, đánh dấu năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Đặc biệt là Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và New Zealand. Cùng với đó, việc Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đang mở ra các cơ hội mới cho nền thương mại Việt Nam.

Các mặt hàng nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường của khu vực kinh tế có 500 triệu dân. Ảnh: Bích Nguyên

Các mặt hàng nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường của khu vực kinh tế có 500 triệu dân. Ảnh: Bích Nguyên

Tín hiệu lạc quan từ xuất siêu kỷ lục

Theo thông tin từ cơ quan chức năng của Bộ Công thương, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra từ đầu năm (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 – 10%). Cán cân thương mại duy trì thặng dư với mức thặng dư trong năm 2018 đạt 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Điểm nổi bật là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết năm 2018, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 USD Mỹ).

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ... Năm 2018, có 30 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tăng thêm 1 thị trường so với năm 2017), trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 USD. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng tốt ở mức 2 con số như Hàn Quốc tăng 23,2%, ASEAN tăng 13,7%, Nhật Bản tăng 12,9%, EU tăng 11%, Mỹ tăng 14,2%, Trung Quốc tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước và so với thời điểm trước khi có FTA.

Bộ Công thương đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân; xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp với nhiều rủi ro xung quanh cuộc “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, xu thế bảo hộ mậu dịch và so với kết quả thực hiện của năm 2017 ở mức rất cao (xuất khẩu đã ở mức trên 215 tỷ USD), thì mức tăng của năm 2018 là rất tích cực và cho thấy nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cũng như trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế 2019 sẽ có nhiều thuận lợi?

Trong năm 2018, mặc dù các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chưa có hiệu lực, song cũng có tác động tích cực tạo sự phấn khởi cho các doanh nghiệp trong một số ngành đẩy mạnh sản xuất. Đặc biệt, xuất khẩu dệt may đạt tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay ở tất cả các chủng loại xuất khẩu.

Cũng giống như ngành dệt may, ngành da giày trong năm 2018, duy trì tốc độ phát triển ổn định và cao hơn so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại năm 2018 ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Việc ký kết một số hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP) cũng đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành da - giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh cơ hội, ngành chế biến thủy sản dự báo sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ do các quy định về truy suất nguồn gốc. Ảnh: Bích Nguyên

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định này cũng từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Bộ Công thương nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi đối với các hoạt động kinh tế trong nước, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc. Các nền kinh tế lớn là đối tác hàng đầu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá năng lượng, kim loại và nông sản thế giới phục hồi sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam.

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam được thúc đẩy nhanh, các FTA thế hệ mới (trong đó có CPTPP) được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng, có thể bù đắp phần nào cho những thiệt hại do xu hướng bảo hộ và phòng vệ thương mại gia tăng, qua đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế trong nước.

Cũng theo Bộ Công thương, việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới, dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta tiếp tục khởi sắc.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-hoi-moi-cho-thuong-mai-viet-nam/