Cơ hội mới cho Cần Giờ cất cánh

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vừa công bố thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ, là cầu dây văng một trụ tháp với phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ. Đây là cơ hội mới cho huyện biển duy nhất này của thành phố cất cánh.

Thiết kế cầu Cần Giờ với hình tượng cây đước đặc trưng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh vừa công bố thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ, là cầu dây văng một trụ tháp với phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ. Đây là cơ hội mới cho huyện biển duy nhất này của thành phố cất cánh.

Với tổng chiều dài tuyến đường hơn 7 km, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía nam thành phố. Ðiểm đầu cầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2 của Khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Ðiểm cuối cầu kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía nam, thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Cầu Cần Giờ vượt qua sông Soài Rạp, tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu, nối từ huyện Nhà Bè sang Cần Giờ. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè; sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ, hướng tuyến rẽ sang hướng đông, đi y song với đường dây điện 220 kV, tiếp tục vượt sông Chà và kết nối với đường Rừng Sác.

Dự án cầu Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè; tổng chi phí ước tính để xây cầu là 5.300 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 3,4 km với bốn làn xe, độ tĩnh không thông thuyền 55 m. Ðây là cây cầu dây văng liên lục dài 2,8 km, bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát, cách giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Bình khoảng 800 m. Cầu cách phà Bình Khánh hiện tại khoảng 600 m, chui dưới đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để nối vào đường Rừng Sác. Theo liên doanh Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Trung Nam - Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ, khối lượng giải phóng mặt bằng để xây cầu Cần Giờ ước tính 11.580 m2 nhà ở, 31.900 m2 đất thổ cư và gần 90.600 m2 đất nông nghiệp trên địa bàn hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Hai công ty này sẽ tự sắp xếp nguồn vốn xây cầu, sau đó, thành phố sẽ hoàn vốn bằng quỹ đất để thực hiện dự án Khu lấn biển Cần Giờ 60 ha và dự án lấn biển Cần Giờ 480 ha. Cầu Cần Giờ khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách từ nội thành đến huyện Cần Giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Việc xây cầu Cần Giờ phù hợp với định hướng phát triển của thành phố đến năm 2030. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển. Do đó, Cần Giờ là một trong những địa phương được TP Hồ Chí Minh ưu tiên kêu gọi đầu tư. Theo đó, UBND thành phố đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung tài nguyên, tiềm năng biển của huyện Cần Giờ vào nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Kiến nghị nêu rõ, Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của thành phố có rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, phù hợp trong việc phát triển về kinh tế biển như du lịch, thủy sản, hàng hải, đô thị sinh thái và an ninh
quốc phòng.

UBND thành phố cũng đề xuất bổ sung một số chức năng quan trọng của biển là phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư phù hợp với tình hình phát triển của từng địa phương; bổ sung các thông tin, dữ liệu điều kiện tự nhiên trên các vùng đất ven biển, nội thủy, vùng trời, vùng biển và hải đảo của Việt Nam, bao gồm về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, độ sâu đáy biển, khí tượng, chế độ thủy hải văn, sóng, dòng triều, hải lưu… Ðặc điểm đặc trưng của mỗi vùng; đánh giá những mâu thuẫn trong thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành; xác định mức độ ảnh hưởng, tác động của sự gia tăng xâm nhập mặn đến các nguồn tài nguyên; xác định mức độ ảnh hưởng, tác động của ngập lụt và xói lở bờ biển đến các nguồn tài nguyên. Ðồng thời, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất mở rộng dự án từ 600 ha lên 2.870 ha của Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ. Ðịa điểm thực hiện dự án là một phần địa giới hành chính xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39944302-co-hoi-moi-cho-can-gio-cat-canh.html