Cơ hội lớn đẩy mạnh phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt

Trước biến cố dịch bệnh thanh toán online đã chứng minh lợi thế và đây là 'cơ hội' để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay lại bỏ lỡ?

Thời cơ đặc biệt

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dịch Covid-19 đang đặt ra thách thức lớn cho đất nước, bởi nhiều hoạt động bị đình trệ. Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội. Có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra mới xuất hiện. Dịch Covid-19 lây lan do tiếp xúc, đây chính là cơ hội lớn để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính từ sau Tết Nguyên đán Canh tý đến nay (tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 và được miễn, giảm phí), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống chuyển mạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng giao dịch giá trị nhỏ dưới 500.000 đồng tăng từ 21% lên 25% tổng số giao dịch. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng các giao dịch trực tuyến và các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sangthanh toán không dùng tiền mặt.

Dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sangthanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Đây chính là “cơ hội vàng” cho lĩnh vực thanh toán của Việt Nam vì ý thức của người dân đã được nâng cao. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt hay lại bỏ lỡ?

Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020. Cụ thể, sẽ cho phép các DN tham gia thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Đây được coi là giải pháp mở cửa lĩnh vực còn độc quyền, tạo sự cạnh tranh, giúp giảm chi phí, tăng tiện ích, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện trong lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử, mới chỉ Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Nếu chỉ dựa vào hệ thống chuyển mạch hiện nay rất khó tăng tốc độ xử lý giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước. Việc có thêm doanh nghiệp tham gia thị trường chắc chắn sẽ tạo nên cạnh tranh mạnh mẽ, giúp giảm chi phí, tăng các tiện ích, thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đến nay vẫn rất thấp. Thống kê cho thấy tỷ lệ này mới chỉ đạt hơn 20%. Hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn vẫn rất thiếu. Độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng với chi phí cao đang là rào cản lớn đối với người nghèo, người thu nhập thấp đến với các dịch vụ tài chính chính thức.

Sống vững vàng trước biến cố

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phổ cập trên toàn quốc, cần phải thông qua mạng lưới hệ thống ngân hàng đại lý, các công ty fintech, các dịch vụ Mobile Money, ví điện tử và các kênh thanh toán hiện đại khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung nguồn lực và nỗ lực của tất cả các ngành, lĩnh vực, cả nhà nước và tư nhân, tạo ra các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt?

“Cơ hội” đã đến, xu hướng chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng lên rất nhanh. Có một hệ thống chuyển mạch đủ tốt, kết nối được đa kênh có thể đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Song thực tế ở Việt Nam chưa có. Nếu không đáp ứng được về cơ sở hạ tầng, về nhu cầu của người dân sẽ làm chậm tiến độ phát triển của thanh toán điện tử nói riêng và kinh tế nói chung.

Cách mạng 4.0 khiến các loại hình thanh toán mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn, thói quen người tiêu dùng vì thế thay đổi nhanh chóng, song cũng đòi hỏi cao hơn, đặc biệt về tốc độ giao dịch và phí. Nếu hạ tầng cung ứng dịch vụ chuyển mạch vẫn chậm đổi mới, thanh toán không dùng tiền mặt khó có sự đột phá.

Việc cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử là giải pháp giúp phát triển hạ tầng, thúc đẩy các loại hình thanh toán mới. Sự phát triển của các dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Giới chuyên môn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên sớm cấp phép cho các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông tham gia thị trường này để thúc đẩy các loại hình thanh toán mới.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc về thanh toán không dùng tiền mặt, tiền di động,...

Khi thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng. Đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội, giúp tăng “sức đề kháng”, “sự dẻo dai”, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những biến cố khó lường như dịch Covid-19.

Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/covid-19-co-hoi-vang-pho-cap-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-625545.html