Cơ hội lớn cho các DN công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng

Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 đang diễn ra tại TPHCM thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) FDI và DN sản xuất công nghiệp đầu cuối lớn tham gia như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus... có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện.

Các DN FDI tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện - Ảnh: VGP/Lê Anh

Các DN FDI tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện - Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tham gia sự kiện hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020, bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, sự kiện này là cơ hội tốt để các DN hỗ trợ Việt Nam gặp gỡ trực tiếp và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với các DN sản xuất đầu cuối.

Bà Marie C. Damour cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án hỗ trợ kết nối các DN nhỏ và vừa (LinkSME), đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ DN như Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TPHCM (CSID), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mối liên kết giữa nhà cung cấp và bên mua, giữa các DN vừa và nhỏ của Việt Nam và các DN dẫn đầu, cũng như mở rộng năng lực hội nhập của các DN vừa và nhỏ Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), đây là cơ hội lớn chưa từng có của các nhà cung cấp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều DN FDI của Mỹ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước khác nên đã tìm kiếm các DN cung cấp trong nước - chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ để thay thế. Riêng tại Khu công nghệ cao TPHCM, nhiều DN cũng nhận được đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng.

Bà Loan cũng cho biết, trong những năm gần đây, tỉ lệ nội địa hóa của DN FDI (phục vụ cho xuất khẩu) tại khu công nghệ cao TPHCM ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 chỉ chiếm khoảng 16% thì tới cuối năm 2019, tỉ lệ này đã được nâng lên khoảng 22% và trong 6 tháng năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các DN FDI tăng cường tìm kiếm các nguồn cung cấp nội địa thì tỉ lệ này tại khu công nghệ cao đã tăng lên hơn 33% và dự báo tỉ lệ nội địa hóa sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác với các DN trong nước, trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện nay, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các DN FDI.

Tập đoàn sản xuất hàng đầu về thiết bị điện không dây dùng ngoài trời Techtronic Industries Co. Ltd. (TTI) đang đẩy mạnh triển khai dự án nhà máy 650 triệu USD ở Khu Công nghệ cao TPHCM. Đại diện Tập đoàn TTI cho biết, có nhu cầu tìm kiếm khoảng 200 nhà sản xuất Việt Nam để có thể hỗ trợ, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM được trưng bày, giới thiệu với DN FDI - Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong khi đó, hãng điện tử và đồ điện gia dụng nổi tiếng của Nhật Bản - Panasonic dự kiến trong đầu quý IV/2020 sẽ đưa nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Do đó, nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện tại chỗ trong sản xuất với Panasonic hiện nay rất lớn.

Bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng Bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, chia sẻ: Sản phẩm Panasonic sản xuất ở Việt Nam khá đa dạng từ tivi, tủ lạnh, máy lạnh... đến các loại đồ điện gia dụng nên cơ hội cho các nhà cung cấp có năng lực ở Việt Nam là khá lớn và rộng.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối và hỗ trợ các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI tại khu vực phía nam, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, hiện nay, phần lớn DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao... dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng, nhất là những đơn hàng lớn, đòi hỏi chất lượng ổn định, thời gian giao hàng ngắn... đối với các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng không phải dễ dàng.

Để cải thiện việc này, theo bà Oanh, chính bản thân DN phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào.

Về phía các đơn vị mua hàng, thời gian qua, đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều DN FDI lớn đã có nhiều hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cải tiến nhà xưởng cũng như giúp DN nâng cao trình độ quản trị để các DN nội địa tiềm năng của Việt Nam có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của họ.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/co-hoi-lon-cho-cac-dn-cong-nghiep-ho-tro-tham-gia-chuoi-cung-ung/408053.vgp