Cơ hội liên kết phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước. Song hạ tầng cơ sở của vùng chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa kết nối các phương thức vận chuyển cũng là trở ngại lớn cho thu hút đầu tư vào vùng. Tuy nhiên, những tồn tại này sẽ giảm đi khi ngày 19/5 cầu Vàm Cống đã chính thức thông xe nối liền đôi bờ sông Hậu giữa TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

Gắn kết vùng giao thông huyết mạnh

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,8km, cách bến phà Vàm Cống khoảng 03km về phía hạ lưu. Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m; trụ tháp hình chữ H cao 143m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m, bao gồm 04 làn xe ô tô và 02 làn xe thô sơ.

Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m, gồm 04 làn xe cơ giới, 02 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h. Công trình cầu Vàm Cống do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9-2013, được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 271 triệu USD (khoảng 5.687 tỷ đồng).

Cầu Vàm Cống chính thức đi vào hoạt động ngày 19/5

Cầu Vàm Cống chính thức đi vào hoạt động ngày 19/5

Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể - cho biết, ĐBSCL là vùng đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Mặc dù nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn, triển khai trong nhiều nhiệm kỳ cho vùng nhưng phải khẳng định đến nay, giao thông vẫn là điểm nghẽn của vùng. Do đó, cầu Vàm Cống đưa vào khánh thành, sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kể từ hôm nay, người dân đi qua sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ qua Long Xuyên, An Giang và Cao Lãnh, Đồng Tháp sẽ không còn đi phà nữa; bà con, doanh nghiệp đi lại dễ dàng. Nếu đi phà mất khoảng 30-45 phút, còn chạy xe qua cầu chỉ mất 3-5 phút.

“Việc đưa cầu Vàm Cống và đường dẫn cầu vào khai thác, kết hợp cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh-Vàm Cống góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực, qua đó rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh đến với TP. Hồ Chí Minh” - Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Theo Bộ trưởng - Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải, giao là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu thì nền kinh tế phát triển theo đến đó. Cầu Vàm Cống khánh thành có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đối với ĐBSCL.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết, cầu Vàm Cống đi vào hoạt động là ước mơ, mong mỏi của người dân Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sau cầu Cần Thơ, đến nay có thêm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội thành phố và các tỉnh ĐBSCL.

Chủ tịch thành phố Cần Thơ cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, các nhà thầu thi công, những công nhân ngành cầu đường Việt Nam, Hàn Quốc và sự ủng hộ của người dân để cầu Vàm Cống hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong thời gian tới TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các địa phương lân cận để khai thác hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL.

Ông Shin Deog Yong - Phó Chủ tịch cao cấp Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - cho rằng, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam nhưng tiềm năng phát triển chưa được phát huy hết do thiếu cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Cầu Vàm Cống đi vào hoạt động là bước tiến lớn cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cộng tác với Bộ GTVT Việt Nam và các địa phương để đầu tư các dự án phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể - cho biết: Cầu Vàm Cống chính thức đi vào hoạt động đem lại động lực rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, tạo điều kiện cho du khách, nhà đầu tư đến vùng nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-lien-ket-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bang-song-cuu-long-119949.html