Cơ hội kênh thanh toán mới

Sự phát triển của các công ty Fintech tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực thanh toán đang đem đến những sản phẩm, dịch vụ tiện lợi cho người dùng.

Để không mất thị phần trước cuộc đua đó, các NHTM cũng đang tham gia thông qua việc ứng dụng công nghệ tạo thêm một kênh thanh toán mới bên cạnh các kênh thanh toán truyền thống.

Ông NGUYỄN QUANG HIỀN HUY, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina:

Cơ hội phát triển thanh toán di động

Theo Báo cáo về xu hướng thanh toán do Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase phát hành trong năm 2017, ví điện tử và thanh toán di động (TTDĐ) sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới. TTDĐ đang mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về giao dịch thương mại. Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và mạng lưới các công ty Fintech đều chạy đua đầu tư công nghệ và phát triển ví điện tử và TTDĐ. Forrester Research Inc. ước tính rằng TTDĐ sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019.

Tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động (mCommerce) sẽ đạt mức 194 tỷ USD năm 2017 và 319 tỷ USD vào năm 2020. Số lượng người dùng hình thức TTDĐ ước tính hơn 1,476 tỷ người năm 2017 và sẽ tăng 47% vào năm 2019, trong đó khu vực châu Á - châu Đại dương chiếm đa số.

Theo thống kê của NH Thế giới (WB), số lượng giao dịch phi tiền mặt trên bình quân đầu người của Việt Nam 4,9, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (59,7), Malaysia (89), hay Trung Quốc (26,1). Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để công nghệ TTDĐ phát triển mạnh mẽ khi thị trường bán lẻ đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ NH và smartphone ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Một điểm tích cực là người Việt thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới. Cụ thể, có 9/10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán; 83% người tiêu dùng cho biết sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt.

Theo đó, điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông NGUYỄN BÁ DIỆP, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo:

Hợp tác để tăng tốc ứng dụng

Tại Việt Nam, TTDĐ mới đang ở những bước đi đầu tiên. Việc thanh toán các dịch vụ công của Chính phủ, cũng như phối hợp với NH để tận dụng nguồn lực trong dân và đẩy mạnh tài chính tổng quát vẫn chưa diễn ra. Nhà nước vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính truyền thống để triển khai các dịch vụ này, trong khi TTDĐ là giải pháp công nghệ đơn giản và chi phí thấp hơn. Ngay từ đầu, MoMo đã rất chú trọng đến việc mở rộng thanh toán cho các dịch vụ công cơ bản (điện, nước, viễn thông, internet, truyền hình cáp) và thu hộ các khoản vay cho các công ty tài chính tiêu dùng và NH.

MoMo cũng là đơn vị TTDĐ duy nhất triển khai hệ thống hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc, phủ đến tận tuyến xã để thực hiện các dịch vụ thanh toán, thu hộ, chuyển tiền cho người dân tại các khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Gần đây, nhờ những nỗ lực không ngừng của các công ty Fintech, NH và các tổ chức tài chính tại Việt Nam đã có cái nhìn tích cực hơn, coi TTDĐ là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ.

Trong quá trình nghiên cứu để phát triển mô hình tài chính tổng quát tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy người dân có các hướng tiếp cận theo nhu cầu sau: Cần vay các khoản tiền nhỏ để phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu thiết yếu; tìm kiếm một mô hình tiết kiệm vi mô để dành dụm cho tương lai; mua các loại bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, nông nghiệp, phi nhân thọ; thanh toán các dịch vụ công (nộp phí, lệ phí, nộp phạt…); nhận tiền nhanh các khoản vay hoặc các khoản hỗ trợ của chính phủ; thanh toán trả góp các khoản vay hàng tháng.

Các việc này trên thực tế có thể được giải quyết rất đơn giản thông qua việc thúc đẩy hợp tác với dịch vụ TTDĐ. Điều đó có nghĩa các chính phủ, quốc gia phải nhìn nhận việc tiếp cận dịch vụ tài chính tổng quát và thanh toán phi tiền mặt là nhu cầu cơ bản của con người, đồng thời là đích đến tiếp theo của một xã hội văn minh, nhìn nhận TTDĐ là một công cụ của chính phủ, có thể tác động một cách hệ thống lên sự phát triển của xã hội và giúp chính phủ đẩy mạnh quá trình đó.

Nếu coi đó là chính sách quốc gia, các bên cần có ứng xử phù hợp để các công ty Fintech phát triển. Việc này cần sự hợp tác của các bên liên quan: chính quyền, các tổ chức tài chính và công ty Fintech.

Ông TRẦN CÔNG QUỲNH LÂN, Phó Tổng giám đốc VietinBank:

Thúc đẩy thanh toán QR Pay

Những năm gần đây, việc chuyển dịch từ Internet Banking sang Mobile Banking được xem là bước đột phá giúp các NH đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông… được thực hiện tiện dụng qua Mobile Banking.

Nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân. Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của QR Pay đang được xem là sự hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống. Khách hàng cần cài đặt ứng dụng Mobile Banking của NH hoặc ứng dụng thanh toán điện tử cho phép quẹt mã QR (QR code). Khi thanh toán, chỉ cần quẹt QR code, xác thực thông tin thanh toán và hoàn tất giao dịch.

Tại Việt Nam, tiềm năng thanh toán qua QR code rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9-2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên gần 5.000 điểm và dự báo đến hết năm 2018 sẽ đạt 50.000 điểm.

Hiện nay đã có 12 NH triển khai dịch vụ thanh toán QR code. Song để đạt được kỳ vọng đưa QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế cơ bản các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, những điểm cốt lõi sau cần sớm được thực thi.

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong TTDĐ cho thị trường Việt Nam. Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường.

Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code.

Thứ ba, bản thân người dân cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn.

Thứ tư, các NHTM tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant để QR Pay có điều kiện phủ rộng.

Thiên Minh (ghi)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/co-hoi-kenh-thanh-toan-moi-52192.html