Cơ hội hòa bình hiếm có cho Yemen

Cuộc xung đột kéo dài ở Yemen cần một giải pháp để kết thúc hơn bao giờ hết. Người Yemen ở tất cả các bên đã kiệt sức bởi cuộc chiến này và nhanh chóng ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hồi tháng 3 vừa qua về một lệnh ngừng bắn toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một tháng sau đó, liên minh do Saudi Arabia dẫn dắt ở Yemen đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong hai tuần, và sau đó đã được kéo dài.

Những tiến triển quan trọng

Các bên tham chiến đã đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn, trong các cuộc đàm phán do Đặc phái viên LHQ về Yemen, ông Martin Griffiths, làm trung gian. Hơn nữa, Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam ly khai (STC), được Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) hậu thuẫn, hồi tháng 6 vừa qua đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán với Chính phủ Yemen do Saudi Arabia bảo hộ, từ đó chấm dứt giao tranh ở các tỉnh Abyan, Shabwa và Socotra.

Iran, quốc gia ủng hộ nhóm phiến quân Houthi (được biết đến chính thức là Ansar Allah hay những người ủng hộ của Chúa), đã không có lý do chiến lược nào để cản trở một thỏa thuận. Quan trọng hơn, mặc dù các cường quốc quốc tế gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước hàng đầu châu Âu đang cố gắng hợp tác giải quyết vấn đề Yemen, song họ nhiều khả năng sẽ không gây trở ngại đối với việc chấm dứt giao tranh.

Từ Điện Kremlin (Nga) cho đến Whitehall (Anh) tới Nhà Trắng (Mỹ), đều bày tỏ rộng rãi mong muốn chấm dứt sự thống khổ ở Yemen. Các nước không có lợi lộc gì khi cuộc nội chiến này vẫn tiếp diễn. Trên thực tế, ngày 1-7, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Guterres, một quyết định có thể được tận dụng để hỗ trợ Yemen.

Hiện có nhiều điều cần phải làm, song cần phải tranh thủ nắm bắt cơ hội này. Cánh cửa chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen sẽ không mở lâu và những sự tiến bộ gần đây hiện đang bị đe dọa. Nếu cánh cửa đóng lại mà các bên tham chiến không đạt được một thỏa thuận hòa bình, Yemen có nguy cơ ngày càng rơi vào tình trạng hỗn loạn và xung đột, làm gia tăng nỗi ám ảnh về một thảm họa tiếp diễn trên eo biển Bab el-Mandab chiến lược.

Các cuộc xung đột bi thảm ở Libya và Syria đã biến thành những cuộc chiến tranh ủy thác phức tạp mà không thể có sự hòa giải quốc tế. Hiện Yemen vẫn chưa tới mức đó, một phần bởi vì không có những thế lực bên ngoài trực tiếp can dự vào cuộc xung đột này. Tuy nhiên, thời gian không ủng hộ bên nào cả. Việc bỏ lỡ cơ hội hòa bình hiện nay sẽ là điều “cực kỳ vô lương tâm”, bởi Yemen có số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh chóng và không có khả năng đối phó với đại dịch.

Cuộc nội chiến đã khiến nhiều nơi ở Yemen chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh tư liệu

Cuộc nội chiến đã khiến nhiều nơi ở Yemen chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh tư liệu

Những trở ngại còn lại

Những trở ngại còn lại đối với một thỏa thuận chính trị và một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn bao gồm các điều kiện để mở cửa sân bay Sana và cảng Hodeida. Tuyên bố về quyền tự trị của STC hồi tháng 4 vừa qua và bạo lực xảy ra sau đó cũng đã làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình. Vụ tấn công ngày 23-6 của Ansar Allah nhằm vào Riyadh đã làm tăng nguy cơ leo thang chiến tranh hơn nữa giữa phiến quân Houthi và liên minh do Saudi Arabia đứng đầu.
Thảm họa nhân đạo đang dần hiện ra ở Yemen và những lời cầu khẩn hòa bình của người dân nước này đòi hỏi phải có sự hành động ở ba cấp độ. Thứ nhất, các bên tham chiến nên chấp nhận và thực hiện ngay đề xuất ngừng bắn do LHQ làm trung gian, dựa trên sự ngừng bắn đơn phương của liên minh do Saudi Arabia dẫn dắt.

Thứ hai, chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbuh Mansour Hadi được Saudi Arabia hậu thuẫn và STC nên tiếp tục các cuộc đàm phán liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Riyadh mà hai bên đã ký vào tháng 11-2019. Tuyên bố ngày 29-7 của STC về việc họ sẽ từ bỏ tham vọng tự trị của mình đã đánh dấu một bước tiến đầy quan trọng mà người ta hy vọng sẽ giúp xuống thang căng thẳng hơn nữa.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế phải khuyến khích tất cả các bên tham gia xung đột biến động lực tích cực gần đây thành một giải pháp chính trị toàn diện, chính đáng và lâu dài. Một giải pháp dựa trên chia sẻ quyền lực sẽ cho phép Yemen tái thiết, khôi phục và phát triển quan hệ tốt với các nước láng giềng. Một nỗ lực tái thiết do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đứng đầu ở Yemen và sự hồi sinh thương mại khu vực sẽ hỗ trợ cho tiến trình này và điều đó sẽ báo hiệu về một kỷ nguyên hợp tác mới ở vùng Vịnh và Bán đảo Arab. Mặc dù các bên tham chiến phải thực hiện những bước đi đầu tiên, song các nhân tố khu vực và toàn cầu hiện có vai trò quan trọng trong việc kết thúc cuộc xung đột này.

Hội nghị cấp cao G20 tại Riyadh vào tháng 11 tới sẽ trao cho Saudi Arabia cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo quốc tế và chứng tỏ sự tiến bộ về Yemen. Sự ủng hộ lớn hơn của cộng đồng quốc tế đối với một thỏa thuận và đặc biệt là các cường quốc toàn cầu, có thể tạo ra sự cân bằng có lợi cho một thỏa thuận lâu dài.

Hòa bình là quan trọng nhất đối với người dân Yemen vốn chịu nhiều đau khổ. Nhưng một giải pháp lâu dài cũng sẽ đóng vai trò xây dựng lòng tin cho sự ổn định ở Trung Đông và sẽ phát đi tín hiệu tích cực to lớn hơn trong bối cảnh xung đột và phân cực quốc tế ngày càng gia tăng. Cơ hội để giải quyết một cuộc nội chiến kéo dài là rất hiếm. Việc chấm dứt xung đột ở Yemen sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng, đem lại hy vọng cho khu vực, và có lẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho một thế giới đang lung lay.

Hồ̀ng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-hoi-hoa-binh-hiem-co-cho-yemen-204426.html