Cơ hội hòa bình đến muộn ở Yemen

Sau hơn 3 năm diễn ra cuộc chiến tranh đẫm máu ở Yemen, lần đầu tiên mới có một cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức với hy vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy Houthi...

Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen, Martin Griffiths đã thực hiện mọi nỗ lực để vòng đàm phán bắt đầu hôm 5-12 tại Thụy Điển với sự tham gia của các lực lượng ở Yemen, có được một kết quả làm hài lòng các bên.

Vấn đề được đặt ra là vì sao cơ hội hòa bình cho Yemen lại đến muộn như vậy? So với cuộc chiến tranh Syria, cuộc xung đột ở Yemen gần như bị quên lãng. Chỉ đến khi báo chí thời gian gần đây đưa tin thường xuyên hơn về tình hình ở Yemen, thế giới mới giật mình nhận ra những hệ lụy khủng khiếp của cuộc chiến đối với đất nước này. Những hình ảnh về cuộc chiến Yemen, nhất là các cuộc không kích, những đứa trẻ suy dinh dưỡng và cảnh tang thương của các gia đình ở đất nước này… đã làm thức tỉnh lương tri nhân loại. Giáo sư Ali Al-Ammary thuộc Khoa Truyền thông, Trường Đại học Sanaa cho rằng, đó là nhân tố chính phía sau những lời kêu gọi mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thời gian gần đây yêu cầu chấm dứt cuộc chiến ở Yemen. Trong số đó, đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kêu gọi “ngay lập tức chấm dứt” cuộc chiến tranh ở Yemen. Trong Quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ đã lên tiếng yêu cầu quân đội Mỹ ngừng ủng hộ Arab Saudi, quốc gia hậu thuẫn phe Chính phủ Yemen trong cuộc nội chiến ở quốc gia này...

Trẻ em bị suy dinh dưỡng đang gia tăng ở Yemen do tình trạng nội chiến. Ảnh: AFP

Ông Abdelelah Haidar, nhà phân tích chính trị người Yemen, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề chính trị của Mỹ sống tại Kuala Lumpur (Malaysia) trên Tân Hoa xã cho biết, Mỹ đã bắt đầu khởi động các hoạt động ngoại giao vào đầu tháng 10-2018 sau thời điểm vụ sát hại nhà báo Khashoggi bị phát hiện. Đó cũng là thời điểm đồng minh Arab Saudi của Mỹ phải đối mặt với áp lực nặng nề của dư luận quốc tế đòi nước này đưa những kẻ sát hại nhà báo Khashoggi ra ánh sáng. Hơn lúc nào hết, áp lực yêu cầu nước này ngừng hậu thuẫn cho quân chính phủ Yemen và chấm dứt cuộc chiến ở nước này đang gia tăng mạnh mẽ.

Chiến thắng của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Mỹ cũng khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump không thể ngồi yên trong bối cảnh các thượng nghị sĩ Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan truyền thông hàng đầu của Mỹ. Họ vốn dành sự quan tâm nhiều tới cuộc chiến Yemen và gắn cuộc chiến này với vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Giới phân tích cho rằng, có vẻ như các thượng nghị nghĩ Dân chủ đang gia tăng sức ép lên ông Donald Trump, buộc ông phải hành động để kết thúc cuộc chiến ở Yemen thông qua việc nhắm tới mối quan hệ được cho là thân thiết giữa ông và gia đình hoàng gia Arab Saudi.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Bob Menendez kêu gọi chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với liên minh do Arab Saudi dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.

Động thái của Mỹ đối với Arab Saudi vào giai đoạn này có thể có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến ở Yemen. Bởi chiến tranh sẽ không thể kết thúc khi vũ khí vẫn được bán cho các bên tham chiến. Cho đến nay một số nước châu Âu đã tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Arab Saudi.

Giới phân tích cho rằng đây chính là cơ hội để thúc đẩy hòa bình ở Yemen. Đã đến lúc thế giới không thể làm ngơ trước hàng triệu trẻ em Yemen đang chết dần vì bị suy dinh dưỡng, đói khát và dịch bệnh. Đây được cho là hậu quả của sự phong tỏa hải quân mà liên minh do Arab Saudi dẫn đầu thực hiện trong hơn 3 năm qua. LHQ ước tính hơn 15.000 người thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột ở Yemen trong 2 năm qua. 22 triệu người Yemen đang cần sự giúp đỡ và 8 triệu người có nguy cơ bị nạn đói cùng một ổ dịch tả đã ảnh hưởng đến hơn một triệu người dân nước này. LHQ mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen là tồi tệ nhất trên thế giới.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/co-hoi-hoa-binh-den-muon-o-yemen-556426