Cơ hội đối thoại Mỹ –Triều

Tờ Chosun Sinbo có trụ sở tại Nhật Bản và có khuynh hướng thân Triều Tiên ngày 7-3 kêu gọi, Mỹ nên từ bỏ chính sách thù địch chống Bình Nhưỡng để mở đường cho cuộc đối thoại Mỹ- Triều.

Chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc tới Triều Tiên mang lại bước đột phá lớn cho quan hệ liên Triều. Ảnh: CNN

Kết quả cuộc gặp giữa phái đoàn đặc phái viên Hàn Quốc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rõ ràng đã vượt quá mọi sự mong đợi. Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có cái mà ông muốn từ phía Triều Tiên, đó là sự sẵn sàng ngừng hoạt động thử hạt nhân và lời cam kết đưa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lên bàn đàm phán. Đó chính xác là những kiểu nhượng bộ mà Washington đang tìm kiếm để bắt đầu một tiến trình ngoại giao với Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng muốn chấm dứt các mối đe dọa quân sự và một sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy.

Mỹ nên thay đổi cách tiếp cận

Tờ Chosun Sinbo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần hiểu đúng ý nghĩa của các thỏa thuận liên Triều sau cuộc gặp "chân thành" giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng.

Báo trên khẳng định: "Nếu Mỹ hy vọng tổ chức đàm phán với Bình Nhưỡng, họ cần phải nhìn nhận rõ các diễn biến liên quan đến chuyến đi của các đặc phái viên Hàn Quốc tới Triều Tiên và từ bỏ chính sách sai lầm hiện nay của họ". Bên cạnh đó, báo trên còn nhấn mạnh, Bình Nhưỡng không cầu xin đối thoại, đồng thời khẳng định: "Thông qua việc phối hợp với Hàn Quốc và tiến hành đợt tấn công hòa bình, Triều Tiên đang dồn Mỹ vào chân tường. Không có lý do gì để Triều Tiên phải thèm khát đối thoại với Mỹ".

Chuyên gia Simone Chun, thành viên của Viện chính sách Triều Tiên đồng thời là thành viên của Mạng lưới hòa bình Triều Tiên, đánh giá thỏa thuận đạt được giữa phái đoàn Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên là "bước đột phá ngoại giao lớn và quan trọng". Bà Chun đánh giá đây là điều tuyệt vời và hy vọng Mỹ sẽ rất nghiêm túc với nỗ lực này.

Thảo luận về bước đột phá gần đây này trên bán đảo Triều Tiên, ông Tim Shorrock - một phóng viên điều tra ở Washington, vui mừng khi hai bên đạt được sự đồng thuận trên và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự hòa bình này trong năm qua. Ông Shorrock lưu ý, mối quan hệ "lung lay" giữa Triều Tiên và Mỹ phụ thuộc vào cách thức Mỹ quyết định hành động trong tương lai.

Tiếp tục gây sức ép

Tuy nhiên, triển vọng Mỹ sẽ thay đổi thái độ đối với Triều Tiên xem ra không mấy khả quan khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 6-3 tuyên bố Washington vẫn cam kết duy trì sức ép tối đa với Triều Tiên và lập trường này sẽ không thay đổi đến khi Bình Nhưỡng có các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa.

Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho biết, Washington dự kiến nối lại cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, bất chấp khả năng đạt được đột phá ngoại giao với Bình Nhưỡng sau khi nước này đưa ra đề nghị đàm phán. Nguồn tin này nói: "Sau Olympics và Paralympics, đương nhiên là các cuộc diễn tập phòng vệ định kỳ của chúng tôi sẽ được nối lại". Nhật Bản cũng khẳng định không thay đổi lập trường của nước này về việc gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân dù Bình Nhưỡng đã bày tỏ sự sẵn sàng khởi động các cuộc hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố nước này không có kế hoạch giảm trừng phạt với Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, các biện pháp gây áp lực và trừng phạt đối với Triều Tiên hiện nay gồm các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp trừng phạt đơn phương và chưa có ý định dỡ bỏ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_180005_co-ho-i-do-i-thoa-i-my-trie-u.aspx