Cơ hội để thay đổi

Đợt biểu tình kéo theo bạo loạn vừa qua tại Chile đã cho thấy thách thức lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ, đó là bất bình đẳng xã hội và chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Tổng thống Chile S.Pinera thừa nhận sự bất bình của người dân và coi đây như 'cơ hội' để chính phủ điều chỉnh chính sách và cách thức điều hành, thúc đẩy cải tổ mô hình phát triển kinh tế, cải thiện chính sách an sinh xã hội.

Đợt biểu tình kéo theo bạo loạn vừa qua tại Chile đã cho thấy thách thức lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ, đó là bất bình đẳng xã hội và chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Tổng thống Chile S.Pinera thừa nhận sự bất bình của người dân và coi đây như “cơ hội” để chính phủ điều chỉnh chính sách và cách thức điều hành, thúc đẩy cải tổ mô hình phát triển kinh tế, cải thiện chính sách an sinh xã hội.

Khởi phát từ thủ đô Santiago với những hành động ban đầu của các nhóm học sinh, sinh viên nhằm phản đối việc tăng giá vé tàu điện ngầm, các cuộc biểu tình đã lan rộng, thành một chiến dịch phối hợp ở khắp các thành phố lớn của Chile. Người biểu tình chiếm giữ các nhà ga, khiến mạng lưới tàu điện ngầm ở Santiago từng bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Các đối tượng quá khích đối đầu cảnh sát, đập phá, cướp bóc tại các cửa hàng. Căng thẳng leo thang khiến Tổng thống S.Pinera phải ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép triển khai quân đội để lập lại trật tự và trấn áp các đối tượng phá hủy tài sản công. Đụng độ trong biểu tình khiến ít nhất 19 người chết, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Sau một tuần xảy ra tình trạng bạo loạn, cướp phá, tình hình dịu bớt đôi chút, song vẫn có hàng nghìn người tham gia đình công, xuống đường phản đối một cách hòa bình. Đỉnh điểm là cuộc tuần hành hôm 25-10 của hơn một triệu người phủ kín nhiều đại lộ ở thủ đô Santiago, với yêu cầu chính phủ cải tổ mô hình phát triển kinh tế, cải thiện các chính sách an sinh xã hội, cũng như đề xuất thành lập Quốc hội lập hiến để soạn thảo Hiến pháp mới. Tổng thống S.Pinera đã công bố một gói biện pháp và yêu cầu chính phủ cải tổ chính phủ, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và đáp ứng những đòi hỏi của người dân. Một tuần sau khi ban bố, ngày 27-10, Tổng thống S.Pinera cũng đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp.

Các cuộc biểu tình đã làm lộ rõ những đòi hỏi và thách thức xã hội trong giai đoạn mới ở Chile. Theo giới quan sát, việc Chính phủ Chile quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm chỉ như “giọt nước tràn ly” và là cái cớ để người dân phản đối tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Có thể thấy, nguồn cơn các cuộc bạo loạn vừa qua xuất phát từ tâm trạng bất bình của người dân về tình trạng giá sinh hoạt tăng cao, việc làm bấp bênh và bất bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Mỹ la-tinh, với tốc độ tăng trưởng được duy trì trên dưới 2,5%, lạm phát được kiềm chế quanh mức 2% và thu nhập bình quân đầu người đạt 20.000 USD/năm, Chile được đánh giá có thể đứng cùng nhóm các nước giàu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, “trái ngọt” thì nhiều, song những thành quả phát triển kinh tế, theo hướng “chủ nghĩa tự do mới”, không phải mọi người dân đều được hưởng. Trong khi đó, tiến trình tư nhân hóa được thúc đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, như nước sạch, y tế, giáo dục hay giao thông công cộng..., khiến chi phí cho các dịch vụ cơ bản bị đẩy lên cao, một bộ phận người dân, nhất là người nghèo, gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Thực tế, nền kinh tế thuộc nhóm phát triển nhất, song chỉ số bất bình đẳng xã hội của Chile cũng bị xếp vào hàng cao nhất trong OECD. Theo số liệu do Chính phủ Chile công bố, năm 2006, thu nhập trung bình của nhóm người giàu nhất chiếm 20% dân số Chile cao gấp 10 lần so thu nhập của nhóm 20% số dân là người nghèo nhất. Đến năm 2017, khoảng cách này còn 8,9 lần, song vẫn là tỷ lệ cao và nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong một thập niên như vậy vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của người dân. Tình trạng bất bình đẳng kéo dài khiến phần đông người dân cảm thấy “bị bỏ lại phía sau”, kéo theo tình trạng bất mãn âm ỉ, chỉ một động thái thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, như việc tăng giá tàu điện ngầm vừa qua, đã có thể châm ngòi cho bất ổn xã hội bùng lên.

Việc làm, tiền lương và giá sinh hoạt là những vấn đề cụ thể, trực tiếp gây nỗi bất bình trong xã hội Chile. Nhận diện đúng thách thức, Tổng thống S.Pinera cam kết thúc đẩy cải cách, theo đó bảo đảm lương tối thiểu, tăng lương hưu và ổn định giá cả. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tình thế, là phần nổi của “tảng băng chìm”. Để giải quyết triệt để bất bình đẳng xã hội ở Chile, vấn đề cốt lõi vẫn là bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các mục tiêu xã hội, phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

SƠN NINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42061002-co-hoi-de-thay-doi.html