Cơ hội để ruốc kem Thạch Kim vươn xa

Để sản phẩm vươn xa đầu năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Hương Xuân đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP với hi vọng sẽ đưa sản phẩm ruốc kem của Thạch Kim, Lộc Hà (Hà Tĩnh) vươn xa hơn và tìm được vị trí xứng đáng trên thị trường.

“Nguyên liệu con ruốc sau khi thu mua về thì xay tươi, trộn đều đến khi thành phẩm mịn, lúc đấy người thợ mới dùng tay vắt thủ công, “chắt” lấy cốt nước của ruốc mới đem phơi khô. Ruốc đủ độ chín, mịn, đều màu và vị thơm đặc trưng là đạt yêu cầu”, ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Hương Xuân giải thích cho cái tên ruốc kem như vậy.

Nguyên liệu tươi ngon dùng để chế biến ruốc kem

Nguyên liệu tươi ngon dùng để chế biến ruốc kem

Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế về nguyên liệu, 5 năm trước, ông Nguyễn Đình Bình lặn lội vào vùng biển ở Đà Nẵng để học tập kinh nghiệm, đầu tư hệ thống hạ tầng, máy móc để thực hiện tâm nguyện thành lập một cơ sở chế biến ruốc kem. Tìm hướng đi khác biệt cho sản phẩm truyền thống, Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Hương Xuân Thạch Kim, Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã không ngần ngại đổi mới cách thức chế biến sản phẩm ruốc kem.

So với sản phẩm ruốc truyền thống thì công đoạn sản xuất ruốc kem đòi hỏi đầu tư vốn, nhân công và hạ tầng cơ sở hơn nhiều. Ngoài mua sắm máy móc, thuê nhân công, doanh nghiệp này còn phải xây dựng cả hệ thống sân phơi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Mặc dù mình có nghề ruốc truyền thống từ lâu đời, nhưng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng khó tính và đòi hỏi sản phẩm chất lượng hơn. Điều này đã thôi thúc tôi phải tìm ra cách đổi mới sản phẩm để vươn ra khu vực và quốc tế, đó mới là thị trường bền vững cho sản phẩm địa phương”, ông Bình chia sẻ.

So với sản phẩm ruốc truyền thống, ruốc kem đạt được độ mịn, độ chín đồng đều hơn và dậy lên vị thơm đặc trưng.

Quy trình sản xuất khép kín, từ thu mua nguồn nguyên liệu tươi ngon từ các thuyền cá, con ruốc được đổ vào xay nhuyễn, quá trình này đã làm con ruốc chín đều, chống lại khả năng xâm nhập của các loại vi khuẩn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phẩm ruốc kem vào công đoạn sau cùng khi được lót bạt phơi nắng trên sân rộng, khép kín trong cơ sở sản xuất và đóng gói. So với sản phẩm ruốc truyền thống, ruốc kem đạt được độ mịn, độ chín đồng đều hơn và dậy lên vị thơm đặc trưng. Trong điều kiện có nắng thuận lợi, cứ 3-4 ngày, một mẻ ruốc mới hoàn thành.

Bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán khoảng 300 - 500 tấn ruốc kem.

Hiện nay, sản phẩm ruốc kem của Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Hương Xuân đang chủ yếu xuất sỉ cho thị trường các tỉnh Sài Gòn, Bình Dương và một số đối tác phục vụ xuất khẩu đi các nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán khoảng 300 - 500 tấn ruốc kem.

Xây dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp ruốc kem Thạch Kim có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Dương Trọng Bình, Phụ trách nông nghiệp xã Thạch Kim, Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Để phát huy lợi thế vùng biển và giúp các sản phẩm của địa phương vươn xa, tìm được vị trí xứng đáng trên thị trường xã đã xây dựng một số sản phẩm tham gia OCOP. Ruốc kem Hương Xuân là một trong những sản phẩm mới mang đặc trưng của xã Thạch Kim.

Năm 2019, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có kế hoạch phát triển 6 sản phẩm, gồm: Nấm Quang Trung của HTX Nấm Quang Trung, xã Bình Lộc; Ruốc kem của Cơ sở sản xuất chế biến ruốc kem xuất khẩu, xã Thạch Bằng; Nước mắm Ánh Hồng của HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương, xã Hộ Độ; Nước mắm Đồng Châu của Cơ sở chế biến nước mắm Đông Châu, xã Thạch Kim; Ruốc kem của DNTN Thủy sản Hương Xuân, xã Thạch Kim; Nghêu giống của HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng, xã Mai Phụ. Trong đó sản phẩm Ruốc kem của DNTN Thủy sản Hương Xuân là một trong 10 sản phẩm chỉ đạo điểm của tỉnh năm 2019.

Huyện Lộc Hà cũng ban hành chính sách hỗ trợ: Hạng 5 sao thưởng 50 triệu đồng/sản phẩm; hạng 4 sao thưởng 30 triệu đồng; hạng 3 sao thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm.

Trà Giang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/co-hoi-de-ruoc-kem-thach-kim-vuon-xa-post32358.html