Cơ hội để phát triển đô thị văn minh, hiện đại

TP Hà Nội vừa thông qua sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/ 2.000, thuộc địa bàn bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, tạo cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Người dân tìm hiểu thông tin quy hoạch.

Người dân tìm hiểu thông tin quy hoạch.

TP Hà Nội vừa thông qua sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/ 2.000, thuộc địa bàn bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, tạo cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, thời gian qua TP Hà Nội đã lập, phê duyệt 30 trên tổng số 38 quy hoạch phân khu, tạo tiền đề quan trọng cho công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Việc chưa phê duyệt tám đồ án phân khu quy hoạch còn lại, gồm sáu đồ án phân khu quy hoạch nội đô lịch sử và hai đồ án phân khu quy hoạch sông Hồng, sông Đuống, đã tạo ra sức ép lớn đối với công tác quản lý, phát triển đô thị.

Khu vực nội đô lịch sử tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quá tải, trong đó hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía tây thành phố gồm một phần quận Ba Đình, quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng phát triển chưa đồng bộ. Các công trình công cộng đô thị, hệ thống trường học thiếu so với các quy chuẩn hiện hành. Không gian dành cho cây xanh, mặt nước thiếu. Nhiều người dân sinh sống trong các khu nhà ở chật chội, bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn tính mạng và tài sản muốn di dời đến nơi ở mới khang trang, điều kiện sống tốt hơn, nhưng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ chậm trễ… Thậm chí, nhiều đối tượng đã lợi dụng chưa có quy hoạch để tung tin thất thiệt hòng trục lợi, gây tâm lý hoang mang lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Vì thế, việc TP Hà Nội thông qua sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ông Nguyễn Mạnh Cường, sinh sống tại nhà B1 Khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa cho biết, các dãy nhà tập thể sau gần 60 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm các điều kiện sinh hoạt thiết yếu. Người dân rất mong muốn khu tập thể được cải tạo, xây dựng lại, nhưng đã không ít lần mừng hụt. Nhiều đơn vị tới khảo sát, điều tra xã hội học để xây dựng phương án cải tạo khu tập thể, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Người dân mong rằng, khi có đồ án quy hoạch phân khu, cộng với đề án nghiên cứu xây dựng đồng bộ khung cơ chế, chính sách đặc thù cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, góp phần cải thiện chỗ ở cho người dân đồng thời tái thiết (kiến thiết lại) đô thị.

Theo sáu quy hoạch phân khu vừa được phê duyệt, khu vực Hồ Gươm và phụ cận có chức năng là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Khu phố cũ, với nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, có chức năng chính là di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế. Về chỉ tiêu quy hoạch, diện tích đất công cộng đô thị, hỗn hợp khoảng 284,54 ha, đạt chỉ tiêu 4,39 m2/người. Đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao khoảng 247,14 ha, đạt chỉ tiêu 3,82 m2/người. Diện tích đường giao thông tăng từ 213,95 ha hiện có lên 400 đến 600 ha, chiếm 22,5% diện tích đất đô thị. Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và những khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến. Tại các khu vực công trình cao tầng ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung tiện ích đô thị như cây xanh, nơi đỗ xe.

Phó Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Nguyễn Đức Hùng cho biết, việc triển khai lập sáu quy hoạch phân khu được thực hiện bài bản, cẩn trọng, tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam; đồng thời các đồ án đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử kỹ lưỡng… Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là từng bước thực hiện lộ trình di dời khoảng 215 nghìn người dân khu vực đô thị khi thành phố triển khai các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường; di dời dân cư lấn chiếm các di tích lịch sử, không gian chung nhà chung cư; di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trụ sở làm việc các bộ, ngành…, nhằm tái thiết đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tại buổi công bố sáu đồ án quy hoạch phân khu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Dương Đức Tuấn khẳng định, thành phố xác định quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho công tác quản lý, phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Để các đồ án quy hoạch sớm đi vào thực tiễn, đồng chí Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành liên quan và UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng căn cứ quy hoạch được duyệt tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai cụ thể. Sở Xây dựng và các quận cần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát xây dựng chặt chẽ; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai quy hoạch.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn dân nội đô

Sáu đồ án quy hoạch phân khu khu vực nội đô lịch sử Hà Nội bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn những giá trị văn hiến và yêu cầu phát triển hiện đại của một Thủ đô trong thế kỷ 21. Các quy hoạch không chỉ định hình các khu chức năng, mà còn giúp thành phố giải quyết những thách thức lớn đang phải đối mặt về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân số... Tuy nhiên, việc thực hiện kéo giảm dân số khu vực nội đô lịch sử là bài toán khó, cần sự đồng thuận của người dân và sự quyết liệt của chính quyền với những giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách.

Để triển khai hiệu quả việc di dời người dân theo các đồ án quy hoạch, Hà Nội cần phải xác định nơi đến thuận tiện cho người dân, có chất lượng sống cao hơn chỗ ở trong nội đô và đặc biệt là tạo thuận lợi cho người dân có việc làm, có nguồn thu nhập tại nơi ở mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện lớn, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm tại khu vực bốn quận nội đô lịch sử gắn với bố trí nơi ở thích hợp và có chính sách ưu đãi cho cán bộ, viên chức, người lao động; phát triển các đô thị vệ tinh và cải tạo chung cư cũ.

TS, KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam)

Bài và ảnh: NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-quy-hoach-dau-tu/co-hoi-de-phat-trien-do-thi-van-minh-hien-dai-641761/