Cơ hội để khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển

Trước sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các ngành khoa học cơ bản thuần túy lý thuyết có thế mạnh của Việt Nam như: toán học, vật lý lý thuyết, hóa lý thuyết sẽ chịu ít tác động. Tuy các công trình nghiên cứu lý thuyết của Việt Nam, nhất là ngành Toán học đã có vị trí tương đối cao ở khu vực và thế giới, nhưng vẫn đòi hỏi các ngành lý thuyết phát triển các phương pháp mới, thuật toán mới để phục vụ cho ngành phân tích dữ liệu phát triển trí tuệ nhân tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Trong khi đó, các ngành khoa học cơ bản định hướng ứng dụng như: khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin,… sẽ chịu ảnh hưởng, có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi phương pháp, cách thức tiến hành thí nghiệm, tính năng kỹ thuật của các thiết bị sử dụng trong nghiên cứu.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực phát triển các nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, tạo nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các trang thiết bị dùng trong nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói chung và nhân lực cho CMCN 4.0 thiếu hụt. Một số ngành khoa học điều tra cơ bản liên quan đến tài nguyên thiên nhiên như: sinh thái, địa chất, địa lý… sẽ ứng dụng các phương pháp nghiên cứu mới, công cụ hiện đại, nhưng dư địa không còn nhiều do tình trạng tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm dần.

Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sẽ đặc biệt chịu tác động mạnh mẽ, trực tiếp hơn do Việt Nam tụt hậu khá xa so với thế giới. Dù có một số điểm sáng về làm chủ công nghệ, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa sở hữu được các công nghệ lõi để phát triển công nghiệp, phần lớn nhập khẩu công nghệ hoặc gia công cho nước ngoài. Chưa kể nguồn nhân lực lĩnh vực này quá mỏng (nhất là nhân lực công nghệ chuỗi khối, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn); hạ tầng phục vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ còn yếu; thiếu các doanh nghiệp công nghệ để có thể chuyển các tri thức cơ bản, các kỹ thuật hiện có kết hợp nhu cầu thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, công nghệ mới.

Khó khăn là rất lớn, nhưng những áp lực nêu trên cũng sẽ là cơ hội để Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam phát triển nếu chúng ta biết tận dụng những ưu thế của CMCN 4.0 để có các bước đi hợp lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tập trung đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực đang trực tiếp thực hiện, tham gia cuộc CMCN 4.0; có chính sách đãi ngộ nhà khoa học nhằm duy trì nguồn nhân lực hiện có và khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực tương lai.

Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH và CN ở bậc đại học và sau đại học; có chính sách thu hút, tạo nguồn ngay từ bậc trung học phổ thông để chuẩn bị cho đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0. Chú trọng kỹ năng sử dụng công nghệ một cách bài bản trong các lĩnh vực chủ chốt như: Công nghệ số, vật lý, khoa học vật liệu và công nghệ sinh học. Ngoài ra, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ chế tạo cộng và in 3D, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ…; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cho in-tơ-nét kết nối vạn vật, công tác bảo mật, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ; yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.

Với những giải pháp nêu trên, KH và CN Việt Nam có thể tránh được tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 về nguy cơ tụt hậu và đóng góp tích cực vào nền sản xuất tiên tiến, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận và cạnh tranh quốc gia.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38556602-co-hoi-de-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-phat-trien.html