Cơ hội để gạo Việt nâng cao giá trị thương hiệu

Giảm bớt tình trạng manh mún, phân tán, tăng tính chuyên nghiệp và tập trung vào những dòng sản phẩm chất lượng cao... là hướng đi mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang hướng đến. Đó là chia sẻ của các DN, giới chuyên gia tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Gạo Việt có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, gần đây, ngành gạo đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 15% tổng lượng gạo toàn thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 2,5 tỷ USD và mục tiêu cả năm 2018 sẽ đạt 2,8 tỷ USD xuất khẩu gạo. Với sản phẩm tương đối đa dạng và chất lượng cao như gạo hạt dài, gạo thơm, hữu cơ... đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...

Nhiều loại gạo thương hiệu Việt đã có mặt trên thị trường quốc tế.

Đề cập đến vai trò gạo Việt Nam tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện vấn đề sản xuất, xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu gạo 2,46 tỷ USD, tăng 21, 3% so với cùng kỳ. “Hiện mặt hàng gạo của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với các thị trường truyền thống, gạo Việt đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, việc phát triển thị trường gạo xuất khẩu đã được Việt Nam xác định rõ như sau: Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Mặc dù sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song theo đánh giá của các chuyên gia ngành lúa gạo, gạo Việt Nam vẫn có những hạn chế cần khắc phục một số hạn chế như: Năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc té, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế.

Sản phẩm gạo chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được được người tiêu dùng thế giới biết đến. Bởi vậy, theo đại diện Bộ Công Thương, Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt nam sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế, hình ảnh sản phẩm hạt gạo Việt ngày một có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Nâng cao giá trị gạo Việt

Đề cập về tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, gạo là một trong những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt trong nhóm nông – lâm – thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng này.

Đơn cử, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Điều này đã làm hạn chế DN xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là động lực giúp các DN Việt Nam cọ xát, nâng sức cạnh tranh.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo ở châu Á và lợi ích mang lại cho Việt Nam, ông Martin Albani – Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế - nhấn mạnh, hiện nay chúng ta phải thay đổi từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động makerting đối với hàng hóa đó. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh. Tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng, mà còn tác động quan trọng đối các đối tác.

Đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Martin Albani nêu quan điểm, mục tiêu thương hiệu của khối khu vực tư nhân thì cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Đối với khu vực công và nhà nước cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng hay là các khía cạnh khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy.

Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chia sẻ, DN Việt cần có sự thay đổi lớn để có thể giữ vững vị trí, thương hiệu trên thị trường thế giới. Để làm được điều đó, hiện chúng tôi áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Ở đó, DN Việt và bà con nông dân cùng nhau quy hoạch tập trung nguyên liệu gọi là cánh đồng mẫu lớn và các hộ sản xuất nhỏ sẽ liên kết lại với nhau. “Câu chuyện sản xuất manh mún, không truy xuất nguồn gốc đã trở thành quá khứ khi chúng ta thực hiện sản xuất theo chuỗi, theo cánh đồng mẫu lớn. Qua đó, giá trị thương hiệu gạo Việt được nâng lên”, ông Thòn nhấn mạnh.

Để nâng cao giá trị lúa gạo, theo bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, các DN cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt chú ý đến việc đưa ra những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, cải tiến giống đặc sản, chất lượng cao có quy mô trong sản xuất lớn.

“Trong dài hạn, chúng ta cần đầu tư mạnh từ nhà nước cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thơm, chất lượng cao…Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác giữa DN và các đơn vị nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các đơn vị nghiên cứu tạo ra những giống lúa đáp ứng theo tiêu chí của DN và thị trường”, bà Kiều Tiên nhấn mạnh.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-hoi-de-gao-viet-nang-cao-gia-tri-thuong-hieu-81307.html