Cơ hội để đặc sản địa phương phát triển

Dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường, khiến sức tiêu thụ hàng hóa trong vòng 1 năm qua giảm đáng kể. Để góp phần khôi phục sản xuất, Quảng Ngãi đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn hàng nhập lậu; đồng thời đẩy mạnh quảng bá hàng hóa trong tỉnh, nhất là đặc sản địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ hàng lậu

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả tỉnh đã phát hiện hơn 300 vụ, với khoảng 400 đối tượng vi phạm, xử phạt thu nộp ngân sách hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, nhiều vụ số lượng hàng hóa vi phạm lớn, hoạt động tinh vi, tập kết buôn bán hàng giả trong suốt thời gian dài một cách ngang nhiên; hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo...

Đặc sản vùng cao huyện Sơn Hà tham gia “Phiên chợ hàng Việt về hải đảo năm 2021” tại huyện Lý Sơn.

Đơn cử là vụ phát hiện kho chứa hàng hóa nhập lậu không chứng từ, hóa đơn tại cơ sở Phúc Vinh (chuyên kinh doanh hàng theo hình thức phát trực tiếp trên Facebook dưới tên "Phúc Vinh Quảng Ngãi"), ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông (Bình Sơn), do bà Đỗ Thị Vinh (1994) làm chủ, gồm: 400 đôi giày các loại, 100 máy sấy tóc, 40 ấm nấu nước... Hiện số hàng hóa này đã bị tịch thu, chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Hay như Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh, kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Vi Na, do bà Nguyễn Thị Vi Na làm chủ hộ, ở tổ 2, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), phát hiện bà Na kinh doanh thực phẩm kẹo không rõ nguồn gốc. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định.

Thời gian qua, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông tỉnh tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vận chuyển hàng lậu vào địa bàn Quảng Ngãi bằng đường bộ. Đặc biệt là, Công an tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, triệt phá thành công một số đường dây buôn lậu, các điểm buôn bán, tập kết hàng lậu lớn. Lực lượng biên phòng tích cực kiểm soát các khu vực bãi ngang, cảng biển, cửa sông, khu vực neo trú tàu thuyền, phát hiện hàng chục vụ buôn lậu.

Quảng bá mạnh mẽ đặc sản địa phương

Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa vẫn được tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là thông qua giao dịch điện tử. Nhiều mặt hàng được kết nối, giúp tiêu thụ thành công ở ngoài tỉnh, trong đó phải kể đến các mặt hàng nước mắm, rau củ quả và hải sản sấy khô.

Cuối tháng 4.2021, khi dịch bệnh chưa bùng phát, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức Phiên chợ hàng Việt về với hải đảo năm 2021 tại huyện Lý Sơn. Phiên chợ thu hút nhiều đơn vị tham gia nhất trong vòng 4 năm qua, với 42 gian hàng đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh... Tại đây, nhiều mặt hàng là đặc sản địa phương như gạo rẫy, rau rừng, thịt theo chế biến sẵn theo phương thức truyền thống... được giới thiệu đến người dân và du khách. Qua đó, góp phần kết nối tiêu thụ và mở ra cơ hội phát triển du lịch kết hợp khám phá sản vật địa phương.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đức Huy cho rằng: "Phiên chợ hàng Việt không chỉ là nơi dành riêng quảng bá những sản phẩm có thương hiệu do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất, mà còn là cơ hội cho các đặc sản của Quảng Ngãi quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng. Từ đó, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa trong nước, đặc sản địa phương, giúp doanh nghiệp và các làng nghề, hộ gia đình làm nghề truyền thống tăng thu nhập và ngày càng phát triển".

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202105/co-hoi-de-dac-san-dia-phuong-phat-trien-3057672/