Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm

Nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Đây là cơ sở để ngành tôm Việt Nam tiếp tục gia tăng về lượng và giá trị XK ít nhất là đến 2025.

Nhiều cơ hội tăng trưởng

Ông Phạm Hữu An, GĐ Cty TNHH An Lộc Nguyên, cho rằng, nhu cầu tôm toàn cầu đang tiếp tục có xu hướng tăng lên. Dự báo đến 2025, nhu cầu tôm toàn cầu vào khoảng 6,525 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc với 2,5 triệu tấn. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 1,225 triệu tấn; Châu Âu 1 triệu tấn, Nhật Bản khoảng 400 ngàn tấn. Nhu cầu tôm ở các thị trường khác khoảng 625 ngàn tấn. Năm 2016, giá trị thương mại của ngành tôm toàn cầu là 37,11 tỷ USD.

Chế biến tôm XK

Với những dự báo như trên, Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng XK tôm trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2020, Việt Nam sẽ XK khoảng 625 ngàn tấn tôm. Năm 2025 là 783 ngàn tấn và đạt 1,35 triệu tấn vào 2030.

Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta, Việt Nam hiện đã trở thành cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới với diện tích nuôi tôm là 700.000 ha đạt sản lượng 500 ngàn tấn/năm. Thế mạnh của Việt Nam lợi thế về khí hậu có thể nuôi tôm quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến duy trì hoạt động thường xuyên. Năng suất nuôi tôm Việt Nam hiện đã ở mức trên trung bình của thế giới và còn nhiều dư địa nâng cao năng suất.

Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều trang trại nuôi tôm trình độ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế (ASC, BAP…). Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng phát triển với gần 100 nhà máy sản xuất tôm thành phẩm, công suất chung khoảng 500 - 700 ngàn tấn/năm và có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn, nhờ trình độ chế biến hàng tinh chế đã thuộc vào ngưỡng cao trên thế giới.

Để giải quyết các hạn chế lớn hiện nay của ngành tôm Việt Nam, TS Hồ Quốc Lực cho rằng, cần có quy hoạch vùng nuôi chi tiết hơn, có đầu tư thỏa đáng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng; thực hiện các vùng nuôi lớn, quy mô trang trại theo chuẩn quốc tế trên cơ sở thành lập HTX nuôi hoặc tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia và kiểm soát hệ thống cung ứng tôm giống chặt chẽ hơn…

Người nuôi tôm Việt Nam lại rất cần cù, chịu khó ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các mặt hỗ trợ như hệ thống nhà máy thức ăn cho tôm không ngừng mở rộng công suất, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu nuôi tôm. Các cơ sở sinh sản nhân tạo tôm post cũng được phát triển về quy mô với khả năng cung ứng lên tới 100 tỷ con tôm post.

Bên cạnh đó, dịch vụ Logistics đang có chuyển biến đáng kể, kịp thời đáp ứng dịch vụ cho XK… Đó là những cơ sở để tin rằng triển vọng đẩy mạnh XK tôm Việt Nam trong những năm tới là khá tươi sáng.

Thách thức từ các nước XK khác

Tuy nhiên, tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Trước hết là áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước XK tôm lớn khác, nhất là Ấn Độ. Theo ông Mark Wolczko, Phó TGĐ R&D của Cty Aditya Birla Chemicals (Thái Lan), Ấn Độ đang có nhiều lợi thế cả về nuôi và chế biến tôm, như: ngành nuôi thủy sản phát triển mạnh, không bị dịch bệnh; tôm nguyên liệu có chất lượng tốt và đồng đều; sử dụng phụ gia chất lượng trong chế biến tôm.

Nhờ sản lượng lớn, Ấn Độ đang chiếm khoảng 35% sản lượng XK tôm toàn cầu và là nước XK tôm lớn nhất thế giới. Điểm yếu của ngành tôm Ấn Độ là XK chủ yếu sang Mỹ và EU, do đó phụ thuộc nhiều vào thị trường XK. Ngoài ra, Ấn Độ đang gặp khó khăn về kiểm soát kháng sinh trong nuôi tôm.

Ngành tôm Indonesia có các lợi thế như nguồn tài nguyên biển và nước lợ khổng lồ; vị trí địa lý thuận lợi cho XK; nguồn nhân lực sẵn có… Điểm mạnh của ngành tôm Thái Lan gồm: các nhà máy chế biến có sẵn (nhất là tôm đông lạnh và tôm hấp); có bí quyết kỹ thuật; nguồn nguyên liệu tôm sẵn có. Điểm yếu của ngành tôm Thái Lan là có lịch sử dịch bệnh; giá tôm khá cao trên thị trường; chất lượng đầu ra bị ảnh hưởng bởi phụ gia sử dụng.

Trong khi đó, ngành tôm Việt Nam đang có các điểm mạnh như nhà máy chế biến sẵn có; nguồn nguyên liệu tôm sẵn và đạt chất lượng; kỹ thuật chế biến tốt. Điểm yếu của tôm Việt Nam là có lịch sử dịch bệnh; thiếu kiểm soát phụ gia sử dụng trong chế biến tôm. Bên cạnh đó là các thách thức như thức ăn nuôi tôm có xu hướng tăng giá, dư lượng kháng sinh trong tôm …

Để đạt mục tiêu XK tôm với giá trị 10 tỷ USD, cần phải đẩy mạnh sản xuất tôm nhiều hơn với chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn. Nếu ngành nuôi tôm không giảm được giá thành thì sẽ không thể phát triển được. Hiện nay, xu hướng ngành tôm trên thế giới là làm sao phải nỗ lực giảm giá thành và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên vẫn có những thị trường cần những sản phẩm tôm sạch với giá thành cao. Do đó, phải đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ mới vào nuôi tôm. Không có khoa học, công nghệ để giảm giá thành thì không thể phát triển được ngành nuôi tôm.

TS Hoàng Tùng, Cơ quan Nghiên cứu KHCN Úc (CSIRO)

SƠN TRANG - NGUYỄN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/co-hoi-day-manh-xuat-khau-tom-post226152.html