Cơ hội đầu tư vào cảng biển du lịch chuyên dụng

Loại hình du lịch bằng tàu biển của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển. Để đón bắt nhu cầu này, Việt Nam cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng tàu chuyên dụng. Đây đang là cơ hội với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân nhằm góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển.

Tàu du lịch đưa du khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đào Loan.

Mới có một cảng du lịch chuyên dụng

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng tàu biển mới chiếm tỉ lệ rất nhỏ, từ 2 - 3% trong cơ cấu tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của khách đi bằng tàu biển so với khách du lịch đi bằng đường không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất thấp.

Nguyên nhân là hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu hết các cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến. Một số cảng mới ở trong giai đoạn đầu tư, tuy đã nâng cấp nhiều nhưng chất lượng dịch vụ đón khách du lịch bằng tàu biển còn hạn chế. Hiện nhiều cảng đón khách thường phải sử dụng chung với cảng hàng hóa, hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ. Một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist dự kiến đón 120 chuyến tàu, với 207 lượt tàu cập bến, phục vụ 475.000 lượt du khách cùng thủy thủ đoàn. Từ tình hình phục vụ khách du lịch bằng tàu biển đến Việt Nam trong năm 2017-2018, ông Vũ Duy Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết: Các tàu du lịch đến Việt Nam ngày càng lớn. Tàu khách lớn nhất đã từng đến Việt Nam có sức chở lên đến 4.700 - 4.800 khách. Thời gian tàu neo đậu tại cảng dài hơn 12 tiếng, thậm chí có những tàu đậu tại cảng đến 48 tiếng. Ngoài ra, hành trình của tàu cũng kéo dài ít nhất từ 2 cảng trở lên.

Song thủ tục để tàu neo đậu ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đã ảnh hưởng đến tâm lý của các hãng tàu. “Các hãng tàu đều có lịch neo đậu bến trước từ 1-2 năm nhưng việc bố trí sắp xếp tàu neo đậu ở Việt Nam chậm trễ, thậm chí trước một tháng tàu vào nước ta mới được xác nhận cầu neo đậu bến. Việc này khiến cho các hãng tàu lo lắng không biết đi vào Việt Nam có được neo đậu như mong muốn hay không, từ đó ảnh hưởng đến việc tham quan của các hành khách”, ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, khi các hãng tàu vào Việt Nam cũng phải dành nhiều thời gian để làm các thủ tục xuất nhập cảnh. Ông Vũ nêu ví dụ: “Chúng tôi đón 4.000 khách du lịch tàu biển, khi làm thủ tục, chúng tôi phải có 4000 tấm hình của các hành khách đó và 4.000 visa… Như vậy, đòi hỏi thời gian làm thủ tục và giấy tờ nhiều nên đã ra gánh nặng hãng tàu, hành khách khi đến Việt Nam”.

Không chỉ có vậy, hiện Việt Nam mới chỉ có một cảng biển đón khách du lịch chuyên dụng là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), nên hạ tầng đón tàu khách còn thiếu nhiều, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam bằng đường tài biển. TS Hà Bích Liên, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM nhận định: “Câu chuyện thuyền – bến, hàng- người chưa giải quyết được thì du lịch tàu biển Việt Nam chưa thể phát triển. Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển với hơn 40 cảng biển nhưng đến nay mới có một cảng biển đón khách du lịch chuyên dụng đầu tiên. Chừng nào chúng ta còn có cảng lẫn lộn container hàng với người thì chúng ta vẫn là đất nước thiếu văn minh và không thể phát triển du lich tàu biển”.

Cho đến tháng 12/2018, Cảng khách quốc tế Hạ Long là cảng khách quốc tế chuyên dụng duy nhất, có quy mô hiện đại đầu tiên của Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách du lịch tàu biển tại khu vực phía Bắc.

Kêu gọi các loại hình doanh nghiệp đầu tư

Để thu hút khách du lịch tàu biển đến Việt Nam cần phải có cảng quốc tế chuyên dụng. Ông James Ngui, Giám đốc vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của hãng tàu Royal Caribbean Cruises cho biết: Các cảng thương mại mang tới nhiều sự bất tiện cho du khách, không phù hợp và tạo ra trải nghiệm không thú vị vì thiếu dịch vụ chuyên chở, taxi…, do vậy, cần phải có cảng tàu khách quốc tế chuyên dụng.

Ông James Ngui cũng cho rằng, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới trong vấn đề quy trình thủ tục để thống nhất và thuận tiện. Việc hướng dẫn lưu thông trên biển để tránh xung đột luồng tuyến và va chạm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, hợp lý. Các địa phương muốn phát triển loại hình du lịch tàu biển cần tổ chức định kỳ các hoạt động quảng bá du lịch trên các du thuyền. Riêng TPHCM là điểm đến vô cùng quan trọng, nhất thiết phải có một cảng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, có khả năng đón các du thuyền lớn.

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng tàu đón khách du lịch có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch tàu biển. Đặc biệt, sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân sẽ thúc đẩy sự phát triển các cảng biển chuyên dụng, góp phần thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải đề nghị: Các địa phương có cảng cần phải quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Chỉ thông qua kêu gọi nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể gia tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần.

Đại diện Tổ chức hợp tác tàu biển châu Á (Asian Cruise Cooperation, ACC), ông Wong Cheuk Hung nhấn mạnh về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Để loại hình này phát triển lâu dài và bền vững thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ ở cấp khu vực và quốc tế, xây dựng các hành trình giàu tính kết nối, thu hút thêm nhiều lượt tàu đến các điểm đến. “Không thực thể nào có thể đứng độc lập trong ngành này, bắt buộc các bên phải hợp tác chặt chẽ với nhau”, ông Wong Cheuk Hung khẳng định.

Theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực miền Bắc sẽ xây dựng các bến chuyên dụng phục vụ tàu khách du lịch quốc tế tại Quảng Ninh có thể đón tàu khách cỡ lớn đến 225.282GT;

Khu vực miền Trung sẽ xây dựng các bến chuyên dụng phục vụ tàu khách du lịch quốc tế tại Thừa Thiên Huế (khu bến Chân Mây), có thể đón tàu trên 100.000GT và Đà Nẵng có thể đón tàu đến 100.000GT;

Khu vực miền Nam sẽ xây dựng các bến chuyên dụng phục vụ tàu khách du lịch quốc tế tại TPHCM (bến cảng tàu khách quốc tế tại Phú Nhuận - Mũi Đèn Đỏ cho tàu đến 60.000 GT, đến năm 2020 gồm 2 bến với tổng chiều dài 600 m). Hiện dự án đầu tư xây dựng bến cảng cho tàu khách quốc tế tại Phú Nhuận đã hoàn thành các bước thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công cuối năm 2018, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020.

Tại Vũng Tàu, bến tàu khách du lịch tại khu vực Sao Mai - Bến Đình tiếp nhận được tàu chở khách du lịch quốc tế 100.000 GT và lớn hơn, đảm nhận vai trò đầu mối tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn cho toàn vùng.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-hoi-dau-tu-vao-cang-bien-du-lich-chuyen-dung.aspx