Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành hàng gia dụng

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBankSc) vừa tổ chức Hội thảo 'Cạnh tranh của hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành hàng gia dụng'.

Đại diện VietinBankSc phân tích về các cổ phiếu ngành hàng gia dụng

Đại diện VietinBankSc phân tích về các cổ phiếu ngành hàng gia dụng

Tại Hội thảo này, ông Vũ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đưa ra một số phân tích về tiềm năng thị trường hàng tiêu dùng hiện nay.

Theo đó, hàng gia dụng hiện đứng thứ tư về tốc độ tăng trưởng trong số 11 nhóm ngành hiện nay theo sự ngành của Bộ Công thương.

Quy mô thị trường trong nước của ngành hàng tiêu dùng đạt khoảng 12,5 – 13 tỷ USD. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhóm ngành này cao hơn so với tốc độ tăng bình quân chung.

Cụ thể, tăng trưởng ngành hàng gia dụng trong 11 tháng đầu năm 2015 đạt tới 14,9%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung chỉ đạt 9,4%.

Liên quan đến mối quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán, các chuyên gia VietinBankSc cho rằng, các cổ phiếu đáng quan tâm trong nhóm ngành này có các gương mặt như DQC (Bóng đèn Điện Quang), RAL (Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), SAH (Sơn Hà Sài Gòn), GDT (Kỹ nghệ gỗ Đức Thành)…

Theo đó, Điện Quang và Rạng Đông đều là những tên tuổi khá quen thuộc đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực thiết bị chiếu sáng.

Hiện tại, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Điện Quang tính đến hết quý III/2015 là 0,41 lần, nằm trong phạm vi an toàn. Giai đoạn 2011 -2014, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 25,9% và 82,5%. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại bị giảm mạnh 36% và 27% so với cùng kỳ.

Người anh em cùng ngành là Rạng Đông có sự duy trì kinh doanh tốt hơn khi đạt doanh thu tới hơn 2.000 tỷ trong 9 tháng đầu 2015, tăng trưởng 7% và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 49 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Trong khi đó, một đại diện của ngành gỗ gia dụng là Gỗ Đức Thành đang được giới phân tích đặt kỳ vọng về tăng trưởng trong mảng xuất khẩu bởi doanh nghiệp này đang có tới 80% doanh thu từ thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp này hiện đang có 2 nhà máy tại TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương, tổng công suất 2 nhà máy này khoảng 10.000 – 12.000 m3 gỗ xẻ/năm, tương đương khoảng 5.500 – 6.700 m3 gỗ thành phẩm/năm.

Trong số các doanh nghiệp được đặt lên hàng cân thì đại diện sản phẩm inox là Sơn Hà Sài Gòn có vẻ được giới chuyên môn quan tâm hơn cả. Các chỉ tiêu tài chính của Sơn Hà Sài Gòn có vẻ đang có chiều hướng khá thuận lới với mức tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 23% và tăng trưởng lợi nhuận đạt 150%.

Theo định hướng của Sơn Hà Sài Gòn trong những năm tới, doanh thu dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 20%/năm, mở rộng thị trường cả ra nước ngoài, đầu tư nhà máy theo vùng. Đặc biệt, công ty này đang có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm với khoảng 30% sản phẩm mới vào năm 2017.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-dau-tu-co-phieu-nganh-hang-gia-dung-d37304.html