Cơ hội cho Việt Nam đảo chiều tư duy và hành động

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các địa phương của Việt Nam tiếp tục sẵn sàng lắng nghe, cuộc cách mạng này là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, giáo dục và đặc biệt là sự đảo chiều về tư duy và hành động…

Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư”, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế TƯ tổ chức đã chính thức diễn ra hôm qua (13/7) với sự tham gần 2000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các DN trong nước và quốc tế cùng trên 70 cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin…

Phải quyết liệt hành động để không bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng bày tỏ: “CMCN 4.0 rất gần Việt Nam, ở trong Việt Nam và không xa Việt Nam, đặc biệt thông qua những Tập đoàn lớn tham gia Triển lãm lần này, trong đó có cả các DN của Việt Nam”…

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, kết quả trên chỉ là bước đầu. “Cơ hội, tiềm năng của cuộc CMCN 4.0 mang lại là rất rõ, Việt Nam chưa bắt kịp cuộc CMCN 4.0 mới mẻ này, chúng ta cần giải pháp để triển khai nhanh và quyết liệt hơn, để chủ động mang lại cơ hội và hạn chế những tác động không mong muốn của cuộc CMCN 4.0…”- Thủ tướng phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Thủ tướng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển CMCN 4.0 nhưng cũng còn nhiều bất cập, và vấn đề chính sách rất quan trọng, làm nhanh hay làm tốt phụ thuộc vào chính sách. “Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các địa phương của Việt Nam tiếp tục sẵn sàng lắng nghe… Cuộc cách mạng này là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, giáo dục, và đặc biệt là sự đảo chiều về tư duy và hành động. Điều vô cùng quan trọng là phải có tư duy mới cùng cách làm tốt để chính sách đi vào cuộc sống tốt nhất…”- Thủ tướng nhấn mạnh và gợi mở: “Phải tiến vào Cách mạnh công nghiệp 4.0 với tầm nhìn chiến lược”.

Một loạt gợi ý được người đứng đầu Chính phủ nêu lên như về nhận thức, về hoàn thiện pháp luật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, liên kết… “CMCN 4.0 là một cuộc chơi mà mọi quốc gia mặc định trong đó. Chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức nắm bắt cơ hội, bước lên con tàu 4.0, cùng biến khát vọng quốc gia thành hành động cụ thể…”, Thủ tướng kết luận.

Thách thức lớn đối với Việt Nam

Ngoài 5 phiên hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như: Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, Nhà máy thông minh, Công nghệ nano, Năng lượng tái tạo, Công nghệ robot, Nhà thông minh, Công nghệ blockchain, Fintech, Ảo hóa, Xác định nguy cơ bảo mật, Công nghệ xác thực…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. CMCN mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các DN khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn…

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế TƯ lưu ý, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước. n

Quan trọng nhất là vấn đề xã hội

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố hành động. Theo Phó Thủ tướng, CMCN 4.0 dù bình đẳng về cơ hội nhưng rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không hành động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đặc thù của Việt Nam và lưu ý phải đẩy mạnh hệ thống sáng tạo quốc gia, trong đó DN phải là trung tâm, Chính phủ, viện nghiên cứu có vai trò hỗ trợ; Phải tăng tính nghiên cứu của các trường đại học, tăng tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Trước “xóa mù chữ” thì bây giờ phải là “xóa mù về tri thức công nghệ”; Trước nói “học để biết để làm”, bây giờ “học để thay đổi thế giới tốt hơn”, tư tưởng này phải được đưa vào các trường học…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Nói CMCN 4.0, quan trọng nhất là vấn đề xã hội, tính kết nối. Không phải kết nối thiết bị với thiết bị, mà thiết bị với con người, và con người với con người để từng người một không ai bị bỏ lại phía sau…”.

Thanh Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/co-hoi-cho-viet-nam-dao-chieu-tu-duy-va-hanh-dong-402205.html