Cơ hội cho sự đổi thay

Một năm đầy biến động của Bộ Giao thông Vận tải, từ BOT Cai Lậy cho đến uyển ngữ 'trạm thu giá' rồi sự xuống cấp nghiêm trọng của các tuyến đường cao tốc trọng điểm.

Rủ rỉ rù rì mà hết tháng hết năm, một năm với nhiều khó khăn thách thức mà cũng đầy hy vọng đã trôi qua. Năm 2018, theo quan sát của chúng tôi, là một năm hết sức quan trọng của quốc gia. Khi mà những kỷ cương tưởng chừng quên lãng đã được siết chặt lại, khi mà tinh thần chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư nhất quán hành động như lời nói, khi mà những cán bộ lãnh đạo suy thoái đã phải trả giá cho những sai phạm của mình… Tất cả là tiền đề để quốc gia đón thêm sinh khí vào năm mới. Cuối năm không nhắc chuyện buồn, trong chuyên đề này chúng tôi chọn những câu chuyện liên quan sát sườn với cuộc sống nhân dân để lạm bàn và mong ước.

Nghịch lý BOT, nghịch lý hạ tầng từng lớp từng lớp được bóc gỡ ra.

1. Thật sự khó cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khi mà những tồn đọng của ngành giao thông đã hiện hữu, không thể bao biện hay thoái thác.

Chủ trương đúng đắn về BOT đã bị lợi dụng một cách không cần dè dặt, những trạm thu phí được dựng lên chắn ngang các tuyến đường huyết mạch, bất chấp nhà đầu tư xây tuyến đường tránh ở nơi này nhưng lại đặt trạm thu phí ở tuyến đường khác. Để hợp thức, họ chi thêm ít tiền để cải tạo qua loa ở tuyến đường mà họ đặt trạm thu phí.

Câu chuyện BOT đặt trạm không đúng tuyến đường rất nhanh chóng được trả lời “đặt trạm đúng quy trình”, cụm từ “đúng quy trình” là cụm từ được sử dụng nhiều nhất, được phản hồi nhiều nhất. Mọi thứ đều đúng quy trình cho đến lúc có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc của Thanh tra Chính phủ thì mới không còn đúng quy trình nữa.

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright từng thẳng thắn thừa nhận: “BOT là mảnh đất màu mỡ của quan hệ thân hữu”. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đồng quan điểm này khi phát biểu: “Một số nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, trúng thầu không làm gì, chỉ đem bán lại dự án và nhận một khoản chênh lệch”.

Minh họa: Hùng Dingo.

BOT có lợi ích nhóm không, có quan hệ thân hữu không, sòng phẳng mà thừa nhận thì tôi tin rằng nhiều người đã có câu trả lời. Tuy nhiên, giữa câu trả lời và chứng cứ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Trên thực tế, có những tuyến đường BOT rất tốt và chưa bao giờ bị phản ứng. Cao tốc Long Thành – Dầu Giây là một ví dụ điển hình. Đường bằng phẳng, rộng rãi, phương thức thu phí thông qua thẻ từ. Người tham gia lưu thông trên tuyến BOT này hoàn toàn có thể chọn lựa giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Long Thành – Dầu Giây, nghĩa là toàn toàn không bắt buộc.

2. Tuyến cao tốc 34 nghìn tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi trở thành dòng chủ lưu thông tin của những tháng cuối năm 2018. Chưa bao giờ dư luận lại chứng kiến một tuyến đường cao tốc tưởng chừng như hiện đại đúng với mong mỏi của người dân lại chứa đựng nhiều bê bối đến vậy. Cũng chưa bao giờ dư luận lại chứng kiến một tuyến đường cao tốc tồn tại nhiều điểm đáng thất vọng đến vậy.

Tất nhiên thì sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra, tất nhiên cũng sẽ có nhiều giải trình hợp lý được đưa ra. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng nếu xây một căn nhà mà bớt đi nguyên vật liệu hay gặp phải thợ xây kém tay nghề thì căn nhà ấy không thể nào vừa bền vừa đẹp được.

Khi tuyến cao tốc 34 nghìn tỷ Đà Nẵng chưa hạ nhiệt vì những khuất tất hồ nghi, thì đến lượt Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên biến thành cung đường tử thần với hàng loạt ổ voi, ổ gà, ổ trâu… Đã có nhiều tai nạn xảy ra, đã có người tử vong, đã có rất nhiều thị sát chỉ đạo diễn ra nhưng những câu chuyện đau lòng vẫn cứ xảy ra.

Đoạn đường này do Ban Quản lý Dự án Thăng Long đảm nhiệm sửa chữa duy tu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phê bình đơn vị này rất gay gắt: “"Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án”.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, Ban Quản lý Dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải và trước pháp luật nếu việc xử lý, sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường không đảm bảo chất lượng.

Trên thực tế, việc những tuyến đường vì sao nhanh xuống cấp, vì sao lại thường xuâé̈t hiện các điểm đen tai nạn do mặt đường không đảm bảo an toàn, có lẽ mọi người đều biết cả.

3. Quan sát Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể suốt trong quãng thời gian qua, tôi tin rằng ông thật sự có cố gắng trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng của ngành giao thông. Đáng tiếc là, những vấn đề ấy quá nhiều, đụng đâu cũng nặng nề, chạm đâu cũng hệt sắp “vỡ trận”.

Nhưng (lại nhưng) sự thuận lợi ở đây là rõ ràng khi mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng là Thứ trưởng của Bộ này trước khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng rồi ngược về làm tư lệnh ngành giao thông. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là người am tường nhất những khúc mắc mà ngành giao thông đang gặp phải.

Chỉ cần có quyết tâm khơi dòng, tôi tin rằng Bộ Giao thông Vận tải sẽ đáp ứng được nguyện vọng về những tuyến đường từ quốc lộ cho đến cao tốc, từ BOT sạch cho đến đặt đúng vị trí… mà nhân dân cả nước luôn mong mỏi.

Ngô Nguyệt Lãng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/co-hoi-cho-su-doi-thay-526235/