Cơ hội cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông . Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông . Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, tác động mạnh tới các phương thức vận động của xã hội. Hơn lúc nào hết, chuyển đổi số đã phát huy tác dụng, giúp hàn gắn các chuỗi đứt gẫy, phục vụ đắc lực phòng chống dịch cũng như các hoạt động kinh tế.

Nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp về hướng đi cụ thể nhằm hiện thực hóa nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn: Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030.

Trong dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong Top 3 khu vực ASEAN và Top 70 trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong Top 2 khu vực ASEAN và Top 50 trên thế giới.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện, như: hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến; đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số…

Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng đây sẽ là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.

Ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel): Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiến tạo xã hội

Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự góp sức của doanh nghiệp công nghệ trong nước, mục tiêu năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lọt vào Top 4 ASEAN về phát triển Chính phủ điện tử không phải quá khó với Việt Nam.

Ông Lê Đăng Dũng Q. Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel.. Ảnh: Trần Hằng/BNEWS/TTXVN

Viettel đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số và triển khai sớm các giải pháp để chuyển đổi tổ chức dần trở thành “Tổ chức số”, từ tổ chức bộ máy của Tổng Công ty Dịch vụ số thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ tài chính số; Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp số cho doanh nghiệp và Chính phủ; Công ty An ninh mạng cung cấp sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin, Viettel thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Chính phủ và doanh nghiệp với việc triển khai các dự án quy mô quốc gia.

Đó là dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia gồm: hệ thống hải quan một cửa quốc gia; hệ thống quản lý hộ tịch quốc gia; hệ sinh thái thành phố thông minh Smartcity. Dự án này đã triển khai thành công tại Huế và tiếp tục triển khai các thành phố khác.
Viettel cũng đã nghiên cứu, sản xuất và làm chủ các thiết bị hạ tầng viễn thông từ các thiết bị mạng truy nhập đến thiết bị mạng lõi, giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia.

Từ năm 2019 Viettel đã tập trung nguồn lực để triển khai nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng 5G, chip cho 5G và từ tháng 6/2020 đã triển khai thử nghiệm trạm 5G tại Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đang tiếp tục tối ưu để triển khai trên diện rộng.
Năm 2020 Viettel cũng được ghi nhận tích cực quá trình chuyển đổi từ nhà khai thác viễn thông sang nhà cung cấp dịch số. Với thế mạnh có hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, Viettel đã phát triển hệ sinh thái số hoàn chỉnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiến tạo xã hội số của đất nước.
Hệ sinh thái số của Viettel bao gồm phục vụ tất cả các đối tượng khách hàng từ Chính phủ, doanh nghiệp đến các khách hàng cá nhân, bao gồm: Chính phủ/chính quyền điện tử, tư vấn và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các bộ/ngành, tổ chức, doanh nghiệp, tài chính số, nội dung số, an minh mạng…

Điểm sáng công nghệ 5G của ngành ICT Việt Nam 2020, Vietnam Report cũng chỉ ra sự kiện Cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G mang thương hiệu “Make in Vietnam” của Viettel diễn ra thành công vào tháng 1/2020 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển thông tin và truyền thông Việt Nam.
Đến nay, Viettel đã làm chủ được các công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng để bảo vệ người dùng trên internet, bảo vệ các hệ thống, bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

Bên cạnh đó, Viettel luôn đảm bảo hạ tầng mạng lưới phục vụ cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc khu vực biên giới, hải đảo và hạ tầng truyền dẫn của quân đội.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT): Cơ hội lớn

Mục tiêu của VNPT là đến năm 2025, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ số chiếm khoảng 35%. Các dịch vụ trên nền IoT, chính quyền số, dịch vụ số tới người dùng cá nhân khi 4G phát triển mạnh và 5G được triển khai sẽ là những nhân tố chính đóng góp vào hoạt động của VNPT.

Cơ hội chúng tôi thấy là vô cùng lớn, chưa bao giờ lớn như bây giờ. Sự phát triển về công nghệ cho phép chúng ta làm điều đó.
Theo chiến lược VNPT 4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPTố. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn tái cơ cấu đầu tiên, VNPT tiếp tục đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số. VNPT đã định hướng xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng, như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp Đô thị thông minh, nền tảng IoT…
Từ cuối năm 2017, Tập đoàn VNPT đã chính thức triển khai chiến lược phát triển mới với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Cụ thể, trong năm 2018, VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin, thành lập Công ty VNPT-IT, tập trung nguồn lực công nghệ thông tin của các đơn vị thành viên trong tập đoàn.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-cho-phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-so/171616.html