'Cơ hội cho lãi suất giảm chỉ mang tính định hướng'

Do lãi suất đầu vào không giảm, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ khó giảm thời gian tới, mà nếu có sẽ chỉ tập trung ở các lĩnh vực ưu tiên.

Quý đầu năm, với việc mua lượng lớn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường gần 140 nghìn tỷ đồng trong khi chỉ hút ròng qua kênh OMO và tín phiếu gần 60.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay khó giảm

Sau Tết Nguyên đán, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt rõ nét tuy có dấu hiệu bật tăng trở lại kể từ tuần cuối tháng 3.

Lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã giảm từ mức đỉnh 4,75-5%/năm về dưới mức 4%/năm. Sau Tết, nguồn tiền nhàn rỗi có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp (2,28% tính đến ngày 25/03/2019) đã giúp thanh khoản hệ thống nhìn chung ở trạng thái tích cực.

Báo cáo vĩ mô quý I/2019 do CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 6 tỷ USD ngoại tệ trong quý vừa qua, đồng nghĩa với việc bơm ra thị trường gần 140 nghìn tỷ đồng trong khi chỉ hút ròng qua kênh OMO và tín phiếu gần 60.000 tỷ đồng.

Trái ngược với diễn biến lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động các kỳ hạn dài (trên 12 tháng) tại các ngân hàng thương mại vẫn neo ở mức cao, thậm chí tăng nhẹ trong quý I/2019. Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 36 tháng ghi nhận được trên thị trường hiện đã lên mức 8,4-8,6%/năm.

Ngoài việc tăng biểu lãi suất huy động, một số ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhằm cơ cấu nguồn vốn và đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 40% kể từ đầu năm 2019.

Theo dự thảo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước có ý định sẽ giảm dần tỷ lệ này theo lộ trình về mức 30% trong 2-3 năm nữa.

Định hướng này sẽ buộc các ngân hàng thương mại tiếp tục phải thực hiện việc cơ cấu lại nguồn theo hướng duy trì lãi suất huy động trung và dài hạn ở mức cao.

Do lãi suất đầu vào không giảm, mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra ở các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, tiêu dùng sẽ khó có khả năng giảm trong thời gian tới.

Theo BVSC, cơ hội cho lãi suất giảm (nếu có) sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên và thông qua nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh.

VND được dự báo mất giá dưới 2% trong năm nay

Ba tháng đầu năm nay chứng kiến diễn biến trái chiều giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại.

Trong khi tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng dần với tổng mức tăng đạt 0,7% trong quý I/2019 thì tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi.

Theo đánh giá của BVSC, việc điều chỉnh liên tục tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước mang tính “làm mềm” giúp tỷ giá trung tâm gần tiệm cận với tỷ giá giao dịch thực tế cũng như tạo ra “khoảng đệm”, tránh việc tỷ giá vượt ra mức trần trong trường hợp có thông tin mang tính biến động mạnh ngoài dự báo.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD có diễn biến trồi sụt nhưng kết thúc quý I không thay đổi nhiều so với cuối năm 2018.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của FED từ thắt chặt quyết liệt sang xem xét không tăng lãi suất nữa nhiều khả năng sẽ khiến đồng USD khó tăng giá mạnh trong năm 2019.

Việc VND có diễn biến ổn định kể từ đầu năm đến nay nằm trong bức tranh chung là đồng tiền của hầu hết các nước mới nổi tại châu Á đều hồi phục trở lại so với USD, trong đó mạnh nhất là CNY Trung Quốc (2,2%), tiếp đến là Bath của Thái Lan (1,6%), Rupiah của Indonesia (1,5%).

Đây đều là những đồng tiền đã mất giá mạnh trong nửa cuối năm 2018.

Với bối cảnh thế giới đang diễn ra theo hướng chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) không còn gây nhiều rủi ro và áp lực tới đồng tiền của các nước cận biên và mới nổi, BVSC dự báo mức mất giá của VND trong năm nay sẽ được giới hạn ở mức dưới 2%.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-hoi-cho-lai-suat-giam-chi-mang-tinh-dinh-huong-3504484.html